Đua xe không khác gì giết người

01/12/2011 01:41 GMT+7

Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67) Bộ Công an, bày tỏ quyết tâm dùng biện pháp mạnh để dẹp nạn lạng lách, đua xe vốn đang gây bất an cho toàn xã hội.

Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67) Bộ Công an, bày tỏ quyết tâm dùng biện pháp mạnh để dẹp nạn lạng lách, đua xe vốn đang gây bất an cho toàn xã hội.

Đua xe quậy phá gây bất an

Theo đánh giá của C67, 10 tháng đầu năm nay, nạn đua xe quậy phá vẫn là vấn đề gây bức xúc cho người dân tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tệ nạn này cũng đã xuất hiện tại các tỉnh lẻ như Long An, Thanh Hóa. Tại Hà Nội, ngoài xe máy, các đối tượng còn tổ chức đua ô tô.


Đại tá Nguyễn Văn Tuyên

Theo đại tá Tuyên, mặc dù lực lượng công an nói chung đã có nhiều nỗ lực trấn áp nhưng tình trạng lạng lách, đánh võng, đua xe vẫn xảy ra với nhiều biến tướng phức tạp. Tại Hà Nội, TP.HCM vào lúc nửa đêm, các đối tượng có thể tập trung lên hàng trăm người, đi xe máy lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao.

“Qua thực tế, chúng tôi thấy những đối tượng coi thường pháp luật này không chỉ làm mất an ninh trật tự mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường, đã có không ít người dân, thậm chí là cả CSGT mang họa bởi các đối tượng này”, đại tá Tuyên nói. Thống kê của C67 cho biết trong 10 tháng đầu năm đã xảy ra 56 vụ chống lại người thi hành công vụ, đa số các vụ đều gắn liền với đám đua xe.

Sau sự kiện, Công an tỉnh Thanh Hóa phải tạm ngưng biện pháp dùng lưới cá để dừng những xe cố ý lạng lách, ông Tuyên cho rằng đây chỉ là một sáng kiến của Công an Thanh Hóa và đang được triển khai thí điểm. Đến thời điểm bị dừng lại, biện pháp này đã giúp cơ quan chức năng bắt được 40 đối tượng lạng lách đua xe trái phép và không xảy ra hậu quả đáng tiếc. “Tôi cho rằng về cách thức thực hiện còn gây ra tranh cãi nhưng đây là một thành công bước đầu của Công an Thanh Hóa. Việc dừng lại là tạm thời để cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ hơn chứ không phải là dừng hẳn”, ông Tuyên cho biết.

Cũng theo ông Tuyên, việc nhìn nhận biện pháp của Công an tỉnh Thanh Hóa ở nhiều góc độ là cần thiết nhưng cần hiểu đúng: “Không ai làm việc này để bắt người vi phạm giao thông bình thường mà là nhằm bắt các đối tượng lạng lách đua xe, là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự mà chúng tôi cho rằng đây là cần thiết bởi đấy không khác gì những kẻ giết người”, ông Tuyên nói.


Gần đây, các đối tượng đua xe gây bất an tại nhiều thành phố - Ảnh: Nghĩa Phạm

Biện pháp mạnh

Trước câu hỏi của Thanh Niên, việc dùng lưới bắt cá để ngăn chặn đua xe khi chưa có quy định pháp luật phải chăng là sự bế tắc của CSGT, ông Tuyên cho rằng cơ quan công an trong đó có CSGT được giao nhiệm vụ phòng chống đua xe, nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về phương pháp. Điều này khiến cơ quan chức năng gặp rất nhiều hạn chế.

Theo C67, việc xử lý đua xe, lạng lách theo quy định hiện hành đã nảy sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, Nghị quyết 88 của Chính phủ và các quy định liên quan cho phép cơ quan chức năng tịch thu phương tiện của đối tượng đua xe nhưng lại không quy định tịch thu xe của chính chủ hay tịch thu bất kể chính chủ hay không. Hành vi đua xe được quy định trong bộ luật Hình sự, nhưng quy định cấu thành tội phạm này lại rất “lỏng” nên khó khởi tố. Đơn cử, đối tượng chỉ được coi là đua xe trái phép khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã từng bị xử lý hành chính đang trong thời hiệu hoặc đã từng bị kết án nhưng chưa được xóa án tích. Đây cũng là lý do khiến rất nhiều vụ từng bị phát hiện nhưng không xử lý được đối tượng hoặc phải chuyển sang xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng với hình thức xử phạt không đủ sức răn đe.

''Những đối tượng này không chỉ làm mất an ninh trật tự mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường, đã có không ít người dân, thậm chí cả CSGT mang họa'' - Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt

“Đối với biện pháp dùng lưới của Thanh Hóa, suy cho cùng cũng chỉ mới giải quyết phần ngọn, cái mà chúng ta mong muốn là phải xử lý từ gốc, tức là từ khi các đối tượng thanh thiếu niên có những dấu hiệu muốn đua xe. Để làm được, không chỉ lực lượng công an mà phải có sự chung tay của toàn xã hội”, đại tá Tuyên nói.

Theo ông Tuyên, hiện C67 đang nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp xử lý, trong đó đề nghị bổ sung thêm một số dấu hiệu cấu thành tội đua xe trái phép gồm: cản trở giao thông, gây rối trật tự công cộng. Với các dấu hiệu này thì các đối tượng lạng lách đua xe dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng đã có thể bị khởi tố. Mặt khác, cơ quan công an địa phương sẽ thành lập các chuyên án điều tra các ổ nhóm có dấu hiệu đua xe trái phép để xử lý. Đồng thời cho phép tịch thu phương tiện của các đối tượng đua xe, bất kể chính chủ hay không chính chủ.

Ông Tuyên cũng cho biết trong thời gian tới sẽ đề nghị bổ sung một số biện pháp mạnh cũng như công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng chống đua xe trái phép. “Trước mắt, theo chỉ đạo của Bộ, chúng tôi đã đề nghị các địa phương, tùy theo tình hình sẽ thành lập các lực lượng đặc biệt với sự tham gia của CSGT, Cảnh sát 113, Cảnh sát cơ động tổ chức cắm chốt và tuần tra lưu động tại những địa bàn phức tạp để phối hợp kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, đua xe như mô hình TP.Hà Nội đang làm và đang chứng tỏ có hiệu quả”, ông Tuyên cho biết.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.