Trong cuộc họp báo cùng với người đồng cấp Israel Yoav Gallant hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng việc ký kết thỏa thuận mua tên lửa bội siêu thanh Arrow 3 là một "ngày lịch sử" đối với cả hai nước, theo AFP.
Với trị giá khoảng 3,3 tỉ euro (3,5 tỉ USD), thỏa thuận mua bán Arrow 3 là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay đối với ngành công nghiệp quân sự của Israel. Ông Pistorius nhấn mạnh hệ thống Arrow 3 sẽ giúp "phòng không Đức sẵn sàng cho tương lai".
"Chúng ta có thể thấy rằng với các cuộc tấn công hằng ngày của Nga vào Ukraine, khả năng phòng không quan trọng như thế nào", ông Pistorius phát biểu tại cuộc họp báo.
Đức đã dẫn đầu nỗ lực tăng cường hệ thống phòng không của NATO ở châu Âu sau khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, kêu gọi các đồng minh cùng nhau mua các hệ thống răn đe.
Hệ thống tên lửa bội siêu thanh Arrow 3 tầm xa, được thiết kế để bắn hạ tên lửa ở phía trên bầu khí quyển của Trái đất, đủ mạnh để cung cấp lớp vỏ bảo vệ cho các quốc gia láng giềng thuộc Liên minh châu Âu. Berlin cho hay hệ thống Arrow 3 dự kiến sẽ được giao vào quý 4 năm 2025.
Hệ thống Arrow 3 tầm xa được Israel và Mỹ phát triển và sản xuất, và việc mua bán phải được Washington chấp thuận trước khi hoàn tất. Hệ thống này lần đầu tiên được triển khai tại một căn cứ không quân của Israel vào năm 2017 và được sử dụng để bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công từ Iran và Syria.
Arrow 3 là một "hệ thống di động" có thể được triển khai tùy thuộc vào các mối đe dọa, theo nhà sản xuất Israel Aerospace Industries.
Israel có hệ thống đánh chặn tên lửa bội siêu thanh đầu tiên
Số tiền cho thỏa thuận Arrow 3 đến từ một quỹ trị giá 100 tỉ euro do Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cho đến nay, hơn 10 quốc gia châu Âu đã đăng ký tham gia dự án phòng không chung của Đức, được gọi là Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu. Sáng kiến này sẽ liên quan đến việc mua sắm chung các hệ thống tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, bao gồm Iris-T do Đức sản xuất, hệ thống Patriot của Mỹ và Arrow 3.
Tuy nhiên, một số nước láng giềng của Đức cho đến nay đã từ chối đăng ký tham gia sáng kiến trên, trong đó có cả Pháp và Ba Lan. Thay vào đó, các quan chức Pháp tranh luận về một hệ thống phòng không sử dụng thiết bị của châu Âu, theo AFP.
Bình luận (0)