Đức quốc hữu hóa nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất nước để đối phó khủng hoảng

21/09/2022 17:09 GMT+7

Đức ngày 21.9 đã ký thỏa thuận quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt khổng lồ Uniper , nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của nước này, để giúp vượt qua khủng hoảng năng lượng.

Biểu tượng của Uniper tại trụ sở chính của công ty ở Dusseldorf, Đức

afp

AFP đưa tin chính phủ Đức ngày 21.9 đã đạt được thỏa thuận quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt khổng lồ Uniper trong bối cảnh ngành năng lượng đang lao đao.

Tuyên bố của Bộ Kinh tế Đức cho biết thỏa thuận này sẽ giúp Berlin sở hữu 99% cổ phần trong Uniper, công ty nhập khẩu khí đốt khổng lồ đang nợ nần chồng chất. “Uniper là trụ cột trung tâm trong việc cung cấp năng lượng cho Đức”, Bộ Kinh tế Đức cho biết ngày 21.9.

Theo thỏa thuận, Đức sẽ bơm 8 tỉ euro tiền mặt vào Uniper và mua 500 triệu euro cổ phiếu từ công ty năng lượng quốc doanh Phần Lan Fortum.

Fortum cũng sẽ được hoàn trả 8 tỉ euro mà công ty này đã cho Uniper vay.

"Tình hình đã trở nên khó khăn hơn nhiều" cho Uniper kể từ khi đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đến Đức bị Nga đóng cửa vô thời hạn vào cuối tháng 8, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu trong cuộc họp báo.

EU từ bỏ kế hoạch áp trần giá khí đốt Nga

Là một trong những nhà nhập khẩu khí đốt từ Nga lớn nhất, Uniper đã lao đao sau khi Moscow cắt giảm nguồn cung của châu Âu. Uniper phải thay số khí đốt thiếu hụt từ Nga bằng nguồn cung của thị trường mở, nơi giá khí đốt đã tăng chóng mặt.

Vào tháng 7, chính phủ Đức đã đồng ý nhận 30% cổ phần của Uniper như một phần của thỏa thuận cứu trợ ban đầu. Thỏa thuận khiến số cổ phần Uniper mà công ty Phần Lan Fortum nắm giữ giảm từ gần 80% xuống còn khoảng 56%.

Tuy nhiên, đầu tháng này, Uniper thông báo hai bên đang thảo luận về việc quốc hữu hóa công ty trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng không có dấu hiệu giảm bớt.

Trước đó, Fortum vào tháng 1 đã cho Uniper vay 8 tỉ euro khi giá khí đốt bắt đầu leo ​​thang do căng thẳng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Fortum cho biết Uniper đã lỗ gần 8,5 tỉ euro do Nga hạn chế nguồn cung. “Cần có các biện pháp mới để giải quyết tình hình vì cả Uniper và Fortum đều phải chịu những rủi ro đáng kể”, Giám đốc điều hành Markus Rauramo của Fortum cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.