Trong ảnh đồ họa do Công ty Rheinmetall của Đức công bố, bệ phóng container được thiết kế có 126 ống phóng UAV, chia đều thành 3 cụm riêng biệt. Điều này cho phép linh hoạt lắp đặt theo các kích cỡ container khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, The War Zone đưa tin ngày 17.6.
Dù công ty không tiết lộ UAV nào được dùng cho bệ phóng, giới quan sát suy đoán dựa trên hình ảnh rằng đây nhiều khả năng là UAV tự sát Hero-120, do Công ty UVision của Israel sản xuất. Vào năm 2021, Rheinmetall đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với UVision, bao gồm việc sản xuất các UAV tự sát dòng Hero, mà Hero-120 là vũ khí phổ biến nhất.
Hero-120 có tầm hoạt động khoảng 40 - 60 km, bay liên tục trong tối đa 60 phút. Phiên bản thông thường mang theo đầu đạn nổ nặng khoảng 4,5 kg, ngoài ra còn có các mẫu tối ưu cho nhiệm vụ chống xe thiết giáp, chống bộ binh và xe cơ giới.
Trên UAV có gắn camera để người điều khiển quan sát được tình hình, từ đó đưa ra những mệnh lệnh mới nếu cần thiết, chẳng hạn thay đổi đường bay hoặc hủy tấn công nếu bất ngờ phát hiện thường dân tại mục tiêu.
Có nhiều phiên bản UAV tự sát thuộc dòng Hero, với Hero-1250 là vũ khí có tầm hoạt động xa nhất, gần 200 km. Nếu bệ phóng container của Rheinmetall có thể sử dụng được Hero-1250, đây sẽ là vũ khí đáng gờm với khả năng phóng loạt UAV từ xa. Song, giới quan sát cho rằng chỉ cần dùng được Hero-120 đã chứng minh tính hữu dụng, khi bệ phóng có thể tạo thế áp đảo về số lượng, được biết đến với chiến thuật "UAV bầy đàn".
Nga gặp khó khăn vì khả năng tác chiến điện tử và UAV của Ukraine
Thiết kế container cũng giúp bệ phóng có thể được vận chuyển linh hoạt bằng xe tải, tàu hỏa hoặc thuyền.
Chiến thuật sử dụng UAV tự sát đã được chứng minh về tính hiệu quả cao trong xung đột ở Ukraine. Các UAV có chi phí tương đối rẻ, có thể được triển khai hàng loạt và đảm nhận được nhiều nhiệm vụ. Trong khi đó, phe đối đầu với UAV sẽ phải đắn đo khi sử dụng vũ khí phòng không, vốn có giá thành đắt và sẽ rất tốn kém nếu chỉ dùng để bắn hạ một UAV.
Bình luận (0)