Đức ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam về Biển Đông

26/11/2015 13:00 GMT+7

Tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Đức, chiều qua (25.11), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel .

Tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Đức, chiều qua (25.11), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Chu-tich-nuocThủ tướng Đức Angela Merkel chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Tại hội đàm, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược với Đức và mong muốn Đức duy trì vị trí đối tác châu Âu hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề và hợp tác lao động.

Theo Chủ tịch nước, việc Đức phát triển quan hệ sâu rộng với Việt Nam có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh hội nhập và tham gia liên kết kinh tế quốc tế, thúc đẩy các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương quan trọng, trong đó Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ưu tiên cao.   

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo thể hiện sự hài lòng về việc hai bên có nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả như Nhóm điều hành chiến lược, Đối thoại kinh tế vĩ mô, Tham vấn chính trị và các tổ công tác song phương trong nhiều lĩnh vực, giúp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương nhằm tạo xung lực thúc đẩy mạnh mẽ và mở rộng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hoi-damToàn cảnh phiên hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Angela Merkel

Thủ tướng Angela Merkel đánh giá cao hiệu quả của các dự án hợp tác phát triển giữa hai nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Chính phủ Đức tiếp tục ưu tiên dành khoản viện trợ phát triển 220 triệu USD cho Việt Nam giai đoạn 2015 - 2017, tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề, phù hợp với các chiến lược phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả Chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang đào tạo làm việc tại Đức và nhất trí thúc đẩy triển khai mở rộng mô hình hợp tác này và mở rộng ra các lĩnh vực, ngành nghề khác. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị phía Đức mở rộng chương trình hợp tác lao động sang các ngành nghề có nhiều triển vọng như nhân viên kỹ thuật trong bệnh viện, công nhân sản xuất trang thiết bị chấn thương chỉnh hình. Với lực lượng lao động dồi dào, trẻ và năng động, Việt Nam có thể hỗ trợ cho nhiều ngành nghề cần nhân lực ở Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao sự hội nhập thành công của cộng đồng trên 125.000 người Việt tại Đức, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển và sự thịnh vượng của nước Đức và cam kết Chính phủ Đức sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ổn định.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU. Thủ tướng Đức khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và EU công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với EU và Đức.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). 

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các quan chức cấp cao của hai nước Đức và Việt Nam đã chứng kiến lễ ký 6 văn kiện hợp tác bao gồm: 

1. Hiệp định cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao được làm việc có thu nhập.

2. Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác khoa học và công nghệ.

3. Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định vận tải hàng không năm 1994.

4. Bản ghi nhớ chung về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp.

5. Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Đức, Văn phòng đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Đức tại Việt Nam về Đối thoại thường xuyên. 

6. Hợp đồng khung về dịch vụ kỹ thuật giữa VietJet với Tập đoàn Lufthansa về bảo dưỡng sửa chữa động cơ cho dòng máy bay Airbus A320.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.