Dừng bán SIM qua đại lý, mới chỉ nghe trên... báo?

14/09/2023 06:31 GMT+7

Chính sách dừng bán SIM điện thoại qua đại lý đã được Bộ TT-TT công bố nhưng đến nay nhiều nơi liên quan vẫn chưa biết triển khai thế nào.

"Trên bảo, dưới… chưa nghe"

Ngày 12.9, đại diện một số nhà mạng cho biết, đã nghe thông tin từ Bộ TT-TT về chính sách dừng bán SIM qua các đại lý, tuy nhiên đây mới chỉ là thông tin chung. Còn việc triển khai như thế nào thì vẫn cần thêm những văn bản chỉ đạo cụ thể, chi tiết hơn. Hiện nay mới chỉ thông báo cho những đại lý ủy quyền chính thức tạm dừng việc cung cấp SIM để chờ đợi văn bản thông báo chính thức.

SIM “rác” vẫn bày bán khắp nơi dù đã có quy định siết chặt

NHẬT THỊNH

Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 12.9, 2 ngày sau khi quy định dừng bán SIM qua đại lý có hiệu lực, chỉ có một số ít cửa hàng đại lý ủy quyền phân phối chính thức của các nhà mạng lớn đã dừng việc bán SIM. Còn phần lớn các cửa hàng di động đều không biết gì về quy định này và vẫn bán SIM…vô tư.

Tại cửa hàng phân phối SIM trên đường Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), PV đã hỏi mua SIM và được nhân viên bán hàng nhanh nhảu đưa ra nhiều loại SIM của các nhà mạng. Trong đó, SIM của nhà mạng Vietnamobile được giới thiệu là đã kích hoạt sẵn, chỉ cần lắp vào máy là sử dụng được.

Nhân viên bán hàng tại đây cho biết: "Em có bán nhiều loại SIM để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nếu khách muốn mua SIM chính chủ thì cần phải có CCCD để đăng ký, nhưng nếu muốn mua SIM "rác" không cần kích hoạt để nghe gọi thì cũng có. Đa số các SIM này có tài khoản 0 đồng, muốn nghe gọi thì phải nạp thêm tiền vào".

Tại cửa hàng phụ kiện điện thoại IMedia trên đường Nguyễn Văn Đậu, P.5, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), khi chúng tôi hỏi mua SIM "rác" không đăng ký, nhân viên lập tức đưa ra SIM số của nhà mạng MobiFone và giới thiệu muốn SIM của nhà mạng nào cũng có.

Tương tự, khi khảo sát tại khu vực phân phối SIM quen thuộc ở khu vực đường Hùng Vương (Q.5), đường 3 Tháng 2 (Q.10), tình hình mua bán SIM có vẻ bớt sôi động vì vắng khách, tuy nhiên các loại SIM đã kích hoạt sẵn vẫn được cung cấp công khai, thậm chí có cả danh sách SIM số đẹp để khách mua lựa chọn. Khi chúng tôi hỏi về quy định bắt buộc bán SIM chính chủ và dừng bán SIM qua đại lý thì nhân viên tỏ ý nghi ngại nói rằng không biết gì (!?).

Trả lời Thanh Niên về tình hình SIM "rác" vẫn được bán trên thị trường thông qua các cửa hàng bán lẻ, đại diện các nhà mạng đều cho rằng: "Đây là việc kinh doanh tự phát, nhà mạng hoàn toàn không quản lý được và nếu buộc phải dừng cung cấp SIM qua các đại lý thì đó là các đại lý chính thức hoặc ủy quyền, chứ những cửa hàng tư nhân thì… đành chịu".

Cũng trả lời Thanh Niên, một cán bộ thanh tra Sở TT-TT TP.HCM chia sẻ: "Thông tin dừng bán SIM qua đại lý từ ngày 10.9 mới chỉ có trên báo chí còn thực tế hiện nay các tỉnh thành lẫn các nhà mạng vẫn chưa nhận được thông tin chính thức triển khai từ Bộ TT-TT, vì vậy nhiều nơi chưa biết thực hiện như thế nào".

Bình luận về diễn biến này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty công nghệ an ninh mạng quốc gia NCS, nhận xét: "Chúng ta đã biết việc bán SIM qua các đại lý là việc thực hiện phổ biến lâu nay và theo thống kê từ nhà mạng thì 80% SIM mới bán ra được phân phối thông qua các kênh đại lý. Nếu các nhà mạng dừng bán SIM qua đại lý thì chúng ta phải chờ đợi xem nhà mạng ứng xử như thế nào. Vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp doanh thu của nhà mạng, và ít nhiều ảnh hưởng đến người sử dụng đầu cuối, nhất là ở những vùng sâu vùng xa khi các kênh phân phối bị giảm đi".

Nơi siết chặt, nơi thả cửa

Theo Bộ TT-TT, trên thị trường lâu nay tồn tại tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thuê bao. Nhiều đại lý cung cấp SIM đã thuê, hoặc tự ý sử dụng thông tin cá nhân để đăng ký, kích hoạt sẵn SIM với mức phí thấp, sau đó mang bán ra thị trường. Điều này lý giải cho việc khi nhà mạng xác minh SIM thì thông tin đăng ký khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng SIM đó lại không phải chính chủ. Để xử lý dứt điểm tình trạng SIM không chính chủ, SIM "rác", Bộ TT-TT đã thống nhất với các nhà mạng chính sách dừng hoạt động bán SIM tại các đại lý ủy quyền của các nhà mạng trên toàn quốc và chỉ tập trung vào kênh chuỗi có hệ thống được kiểm soát tốt.

Trả lời Thanh Niên, đại diện truyền thông hệ thống Thế Giới Di Động cho biết: "Lâu nay việc kinh doanh SIM điện thoại tại hệ thống cửa hàng luôn tuân thủ đúng quy định của cơ quan quản lý giống như tại nhà mạng. Cụ thể, khách muốn đăng ký phải có thông tin CCCD và hình ảnh cá nhân, nếu muốn mua SIM "rác" thì chúng tôi không bán. Đối với quy định dừng bán SIM tại các đại lý nhỏ lẻ khác, chúng tôi ủng hộ vì chính sách này tuân thủ nghiêm và cho thấy công bằng. Hiện nay các cửa hàng của chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng kho SIM số và hệ thống dữ liệu để khách đến lựa chọn mua SIM đăng ký chính chủ".

Hiện nay khoảng 85% thuê bao mới thuộc về các nhà mạng lớn là MobiFone, VinaPhone, Viettel. Những doanh nghiệp này đều đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát trực tiếp thông tin thuê bao. Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, iTel... chiếm khoảng 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hằng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu về thuê bao mới đến Bộ TT-TT định kỳ hằng tháng. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống.

(Theo Bộ TT-TT)

Bà Nguyễn Thị Bạch Huệ, phụ trách ngành hàng dịch vụ hệ thống FPT Shop, cũng cho biết: "Tình hình phân phối SIM điện thoại tại FPT Shop trong 1 năm qua vẫn duy trì số lượng ổn định. Hiện tại, khách hàng vẫn được mua SIM tại FPT Shop như bình thường, tuy nhiên lâu nay chúng tôi không bán SIM "rác" được kích hoạt sẵn. Hệ thống FPT Shop luôn tuân theo đúng các quy định của nhà mạng và theo đúng pháp luật. Khách hàng mua SIM sẽ được thực hiện eKYC (xác minh danh tính điện tử) trực tiếp tại cửa hàng. Cụ thể, FPT Shop sẽ hỗ trợ khách hàng định danh và xác thực thông tin hình ảnh, video chân dung khách hàng, giấy tờ tùy thân của khách hàng để đăng ký SIM".

Có thể thấy việc phân phối SIM đang tồn tại song song 2 hình thức: nơi quản lý chặt còn nơi thì buông lỏng. Không chỉ vô tư phân phối ở các cửa hàng, SIM "rác" còn được bán công khai trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... Chỉ cần từ khóa "SIM kích hoạt sẵn" trên các sàn điện tử thì lập tức sẽ xuất hiện nhiều shop (cửa hàng) giới thiệu các SIM "rác" đã đăng ký kích hoạt ảo. Theo một số nhà mạng, khi dừng bán SIM qua đại lý, hệ thống phân phối sẽ tập trung vào các website chính thức của nhà mạng và các chuỗi cửa hàng được ủy quyền. Nếu sau ngày 10.9 mà vẫn mua được SIM "rác" ở các đại lý bên ngoài thì các SIM đó có thể bị dừng nếu phát hiện không chính chủ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.