Đừng “bắt” phụ huynh phải chọn!

13/09/2012 08:15 GMT+7

Trước việc đưa tiếng Anh tự chọn vào trường, có nhiều ý kiến cho rằng không nên có nhiều sự khác biệt về chất lượng dạy, học trong một môi trường giáo dục.

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài “Buộc phải học tiếng Anh tự nguyện” trên số báo hôm qua 12.9, một số phụ huynh đã gọi đến tòa soạn chia sẻ sự đồng cảm. 

Một phụ huynh của trường tiểu học Thái Thịnh, Q.Đống Đa cho biết: trường liên kết với một chương trình của nước ngoài và “khuyến khích”  phụ huynh nên cho con theo học. Nếu học chương trình này, lớp sẽ ít học sinh, có cơ sở vật chất tốt... Tuy nhiên, nếu đăng ký phụ huynh phải nộp khoảng 13 triệu đồng cho 3 tháng, trong đó, học phí mỗi tháng là 3.150.000 đồng, tiền sách là 3,1 triệu đồng...

Phụ huynh này chia sẻ: tôi không đủ điều kiện cho con học, nhưng rất buồn vì cháu hôm nào cũng kể bạn này, bạn kia được học ở lớp đó sướng lắm. Tại sao trong cùng một trường học tại sao lại có sự phân biệt như thế?

Trao đổi với Thanh Niên, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường dân lập Lương Thế Vinh cho biết: trường của ông không có nhiều loại hình, không phân biệt lớp chất lượng cao, cũng không có lớp tăng cường tiếng Anh, mọi học sinh đều đóng học phí như nhau. “Tôi cũng chưa bao giờ có ý định liên kết để dạy tiếng Anh cho học sinh. Nếu làm, tự trường sẽ mời thầy cô tốt, chọn giáo trình tốt để dạy và kiểm soát chất lượng. Điều quan trọng là mức đóng góp ấy phải phù hợp để gia đình nào cũng cho con theo học được”, PGS Cương nói.

Theo tính toán của PGS Văn Như Cương, làm được như vậy thì chi phí sẽ giảm, phụ huynh sẽ không bị “móc túi” bởi những khâu trung gian hoặc tiền “bôi trơn” như cách mà các trung tâm vẫn làm hiện nay.“Không ít trường đang làm nhiều thứ chỉ vì lợi nhuận, nên tiêu cực là khó tránh khỏi”, ông Cương nói. PGS Cương kể: có lần tôi đến một trường học miền núi một tỉnh miền Trung, thấy trong lớp học có một chiếc bàn mới tinh giữa đống bàn ghế cũ nát. Hỏi ra mới biết chiếc bàn đó là của con ông giám đốc nông trường, tự ông ta mua và đặt vào đấy. “Hình ảnh đó phản cảm vô cùng, đặc biệt là trong một môi trường giáo dục, nó sẽ khiến đầu óc non nớt của những đứa trẻ cảm thấy bị phân biệt đối xử rất nặng nề”, ông nói.

PGS Văn Như Cương cho rằng, việc mở nhiều loại hình trong một môi trường giáo dục, nhất là trường công lập là rất không nên. Người này có thể đưa con tới trường bằng ô tô sang, người kia có thể bằng xe đạp nhưng khi đã bước vào cổng trường học đường, sự phân biệt về điều kiện dạy học sẽ rất dễ khiến trẻ tổn thương và làm phụ huynh không vui.

Nhiều ý kiến khác cũng có chung quan điểm: nếu các trường không tự dạy được tiếng Anh cho học sinh thì không nhất thiết phải dạy bằng được môn học tự chọn vào học sinh lớp 1, nhất là khi Bộ GD-ĐT đã đưa chương trình tiếng Anh bắt buộc vào lớp 3 trở lên. Phụ huynh có con học lớp 1, 2 muốn cho con học ngoại ngữ sớm có thể cho con học bên ngoài. Hiện nay, điều đó quá dễ dàng.

Nhà giáo Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều thì lưu ý: khi cho con học trường, lớp quốc tế, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ, chương trình quốc tế là chương trình nào, có bản quyền hay không, bằng cấp chứng chỉ có giá trị thế nào. Giáo viên có bằng cấp, năng lực ra sao...

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, Sở không khuyến khích nhưng cũng không cấm việc liên kết để dạy tiếng Anh trong nhà trường. Tuy nhiên, theo ông Tiến, Sở sẽ lưu ý và kiểm tra, điều chỉnh tình trạng này, nếu có dấu hiệu bất hợp lý.

Tuệ Nguyễn

>> Phần mềm học tiếng Anh phiên bản mới nhất
>> Cùng học tiếng Anh với chuyên gia ngôn ngữ
>> Học tiếng Anh với RMIT trên Vietweek
>> Lo ngại khi con học tiếng Anh tự nguyện
>> Học tiếng Anh tăng cường từ học kỳ 1
>> Những website học tiếng Anh miễn phí
>> Sân chơi học tiếng Anh: Đất nào cho... người dở?
>> Diễn viên trẻ nên học tiếng Anh
>> Cho trẻ học tiếng Anh: Chọn trường thế nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.