Thảo luận tại hội trường về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) vào chiều qua, nhiều đại biểu tiếp tục đề nghị không nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói việc dự thảo luật điều chỉnh tuổi trẻ em từ 16 hiện nay lên 18 tuổi là “đi ngược lại với xu thế, bắt thanh niên phải quay về với thân phận trẻ em” và lợi bất cập hại. Theo ĐB, Công ước quyền trẻ em có hiệu lực năm 1990, là 26 năm về trước, nêu rõ trẻ em dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp các nước công nhận tuổi thành niên lớn hơn. Như vậy, nếu quy định trẻ em dưới 16 tuổi, từ 16 - 18 tuổi không còn là trẻ em nữa thì không hề vi phạm công ước này. Theo ông Nghĩa, hơn nửa thế kỷ qua, ở VN thì trẻ em dưới 16 tuổi, từ 16 - 18 là người chưa thành niên, từ 18 trở lên là thành niên. Tất cả luật pháp của chúng ta xây dựng con người về mặt tuổi được phân chia 3 loại: trẻ em, chưa thành niên và thành niên.
"Hơn nửa thế kỷ qua chúng ta sống trong tinh thần như vậy, sau khi có công ước 26 năm về trước ta vẫn sống như vậy và không hề vi phạm gì cả. Tôi xin hỏi vì lý do gì vào năm 2016 của thế kỷ 21 chúng ta lại đem khái niệm trẻ em phải là dưới 18 tuổi áp dụng vào lúc này để đạt được cái gì. Tôi chưa thấy giải trình thỏa đáng", ông Nghĩa nói và cho rằng quy luật của con người phát triển nói chung, cho đến nay ở rất nhiều quốc gia là trẻ em ngày càng trưởng thành. Do đó, tuổi trẻ em đặc biệt là tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tuổi chịu trách nhiệm dân sự tinh thần là trẻ dần. Trước đây 16, bây giờ 14, có quốc gia thì 11, 12 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng ngược lại, năng lực trách nhiệm dân sự là 7 - 8 tuổi, năng lực hành vi dân sự hạn chế, cho đến 14 tuổi có hành vi dân sự hạn chế hơn, nhưng từ 16 - 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự nhiều hơn. “Nếu chúng ta quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em thì một loạt hành vi dân sự của các lứa tuổi thanh thiếu niên tuổi này là sẽ phải tính toán lại như vấn đề kết hôn, tội phạm, giao cấu với trẻ em. Ngược lại về mặt dân sự lại hạn chế rất nhiều quyền của các em. Công ước về lao động cấm lao động trẻ em nhưng ở ta từ 16 - 18 tuổi không phải là trẻ em nên rất nhiều trường hợp đã ký kết hợp đồng lao động”, ĐB Nghĩa nói.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) phân tích thêm: “Rất nhiều vấn đề như nạn tảo hôn, tại các vùng miền núi, vùng cao kết hôn từ rất sớm nếu quy định như thế sẽ không giải quyết được nạn tảo hôn. Đối với luật Nghĩa vụ quân sự, trong trường hợp đất nước ta lâm nguy phải tổng động viên thì không lẽ chúng ta huy động cả trẻ em? Ngoài ra trẻ em có thể yêu nhau, xâm hại cũng là phạm luật thì chính sách xử lý cực kỳ rắc rối. Tôi cũng nghĩ rằng nếu chúng ta làm một cuộc khảo sát với trẻ em cấp 3 từ 16 đến 18 tuổi có muốn làm trẻ em không, chắc sẽ không ai đồng ý”.
Bình luận (0)