Nghĩa tử là nghĩa tận
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, TP.HCM) cho rằng có nhiều người cười vui hả hê khi nhận được lời đồng ý của thần tượng chụp ảnh cùng, hoặc vừa xin được chữ ký. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh là tang lễ thì đó là việc làm rất phản cảm.
“Nhu cầu được giao lưu cùng thần tượng là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc, quan tâm đến bối cảnh và cảm xúc của những người xung quanh để tránh những hành động khiếm nhã làm thương tổn đến người quá cố, cũng như những người khác”, ông Duy nói thêm.
tin liên quan
Đám tang đâu phải là nơi reo hò, chụp hình, xin chữ kýNhững hình ảnh không đẹp như: hò reo phấn khích khi gặp người nổi tiếng, thậm chí còn xin chụp hình chung, xin chữ ký, gây náo loạn… đã liên tục xuất hiện trong các đám tang của 'sao' Việt khiến nhiều người ngán ngẩm.
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, thì khuyên thêm: “Hãy một lần đặt mình vào hoàn cảnh của người khác khi hành xử. Nếu gia đình chúng ta có người thân mất và mọi người xung quanh vụ lợi bằng những hành động đó thì chắc có lẽ nỗi đau sẽ nhân đôi: Nỗi đau cho người vừa đã mất và nỗi đau cho người còn lại. Một tấm ảnh với người nổi tiếng, với thần tượng là điều tuyệt vời nhưng có còn ý nghĩa không khi cả xã hội sẽ lên án bạn và quan trong hơn là tòa án lương tâm của bạn mỗi khi bạn nghĩ về hành động của bạn trong một đám tang?”.
Có những người khi bị chỉ trích, đã phản bác lại bằng nhiều lý do: “Ai cũng có quyền được yêu thích một nghệ sĩ, thần tượng một ca sĩ, diễn viên. Vì thế khi bắt gặp họ ngoài đời, có quyền mừng vui”, hay “hành động của tôi chẳng ảnh hưởng đến ai, không vi phạm pháp luật”…
|
Phụ huynh cư xử không đúng sẽ ảnh hưởng đến việc dạy con
Dễ nhận ra trong các đám tang nghệ sĩ vừa qua, hình ảnh những người hò reo, vui cười…. có không ít là người lớn, là phụ huynh. Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì hành động này sẽ làm ảnh hưởng đến việc dạy dỗ con cái, sẽ làm tấm gương xấu cho con.
Ông Hiếu phân tích: “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Nếu khả năng ứng xử của cha mẹ kém thì khó mà dạy con ứng xử văn hóa và tinh tế. Vì thế cũng dễ hiểu khi một số bạn trẻ fan cuồng sẵn sàng nhốn nháo, hôn ghế, ôm chân, xé áo thần tượng... mà không hề nghĩ đến hình ảnh bản thân mình hay cái nhìn của người khác về mình. Bởi ở gia đình, bố mẹ các em đôi khi cũng ứng xử tương tự thế”.
Cũng theo vị tiến sĩ này, thì phép lịch sự là một trong những điều cực kỳ căn bản mà cha mẹ phải dạy bảo con từ nhỏ, tập cho con mỗi khi đi tiệc hay đến chỗ đông người, hướng dẫn con lễ nghi sao cho phải đạo. Nhà trường cũng cần hướng dẫn dạy bảo thêm cho học sinh thông qua những bài học về đạo đức...
Cũng sau khi những hành động chưa chuẩn mực, những cư xử chưa đẹp… của người dân được đăng tải và chia sẻ tràn lan trên mạng, không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc mọi người, đặc biệt là giới trẻ cần được hướng dẫn, chỉ dạy những hành xử chuẩn mực, văn hóa ứng xử khi đi dự đám tang. Nói về vấn đề này, ông Hiếu cho rằng “văn hóa ứng xử" nghe to tát cao siêu nhưng thật ra rất đơn giản, chỉ là đừng làm hành động gì gây ảnh hưởng xấu đến người khác, đó chính là văn hóa ứng xử. Nếu ở nhà một mình thì làm sao cũng được. Nhưng một khi đã bước ra khỏi cửa phòng, hòa nhập vào tập thể, hành động của ta sẽ bắt đầu hình thành một mối dây liên kết với những người xung quanh. Do đó, trước khi làm gì, nên xem hành động của mình có làm người xung quanh tổn thương hay khó chịu. Và đám tang là nơi để mọi người thể hiện sự đồng cảm với những mất mát, đau thương; vì vậy, sự nhốn nháo cười đùa là một hành động gây tổn thương cho nỗi đau người khác.
tin liên quan
Trèo rào, bám tường để xem đám tangĐám đông cười đùa, chỉ trỏ, bàn tán xôn xao trước những nghệ sĩ vào sáng 21.9 tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, TP.HCM trong đám tang của nghệ sĩ Minh Thuận.
“Nếu cha mẹ và thầy cô chưa hướng dẫn, người trẻ nên tự tìm và đọc sách nói về các quy tắc ứng xử, các phép lịch sự, các chuẩn mực xã giao... trong giao tiếp để bổ sung những điều chưa bao giờ được dạy. Ngoài ra, hãy quan sát cách làm của mọi người và tự đánh giá xem hành động nào là tốt, hành động nào sẽ gây tổn thương khó chịu cho người khác để tự rút ra bài học ứng xử của riêng mình”, ông Hiếu khuyên người trẻ.
Chia sẻ với Thanh Niên Online, không ít nghệ sĩ thú thật khi rơi vào tình cảnh “bị mọi người ép chụp hình chung, thậm chí xin chữ ý trong không khí tang thương đã chẳng biết phải xử lý tình huống ấy thế nào cho hợp tình hợp lý”. “Có chút phân vân, lưỡng lự vì họ xin chụp ảnh là do họ yêu thích mình. Nhưng nhoẻn miệng cười ở chốn ấy thấy kỳ lắm, thật sự không biết phải làm sao”, ca sĩ T. băn khoăn.
Chia sẻ thắc mắc này, ông Hiếu cho rằng lỡ gặp phải tình cảnh trớ trêu ấy, người nổi tiếng hãy nhẹ nhàng xin lỗi và cự tuyệt dứt khoát hành động chụp hình, cho chữ ký... “Đó là tôn trọng người đã mất, tôn trọng thân nhân đang trong nỗi đau mất mát, và cũng là tự trọng với chính bản thân mình. Thậm chí, hãy nhắc nhở ngược lại những người đang nhốn nháo đó rằng đây là đám tang, không phải sân khấu giải trí, vì vậy xin hãy giữ lịch sự và tôn trọng với người đã mất”, ông Hiếu nói.
Cùng quan điểm, ông Bình khuyên những “sao Việt” rằng: “Mỗi nghệ sĩ, người nổi tiếng nào đều có quyền từ chối thẳng thừng. Hãy nói rõ rằng: “Tôi đến đây vì người đã mất và gia đình người đã mất chứ không vì bất kỳ lý do nào khác”.
|
Bình luận (0)