|
Gần đây, dư luận tại TX.Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) cho rằng một số cơ sở ở phường 4 sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất bún. Đầu tháng 5.2013, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an Tây Ninh phối hợp các ngành chức năng tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh canh ở KP.2, P.4, phát hiện nhiều cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đáng lưu ý, tại cơ sở của ông Võ Văn Ánh, đoàn kiểm tra lấy 3 mẫu gồm nước luộc bún, bột đã khuấy trộn, hóa chất thu tại kho nguyên liệu gồm 200 gr màu vàng chanh và 420 gr bột màu trắng đem xét nghiệm. Kết quả, chất màu vàng chanh là chất tẩy trắng (huỳnh quang - Tinopal), còn chất bột màu trắng là chất chống mốc (Sodium benzoat); mẫu nước bột trộn gạo đã khuấy làm bún dương tính với chất tẩy trắng. Ông Ánh khai cơ sở của ông hoạt động từ tháng 10.2007 đến nay, trong quá trình sản xuất có sử dụng hóa chất chống mốc, tẩy (bột màu vàng chanh) để tẩy trắng bún.
Tại cơ sở của ông Trần Văn Cương, đoàn kiểm tra cũng lấy 3 mẫu gồm nước luộc bún, bột đã khuấy trộn, hóa chất thu tại kho nguyên liệu gồm một bịch bột màu vàng chanh và 2 bịch bột màu trắng. Kết quả xét nghiệm chất màu vàng chanh là huỳnh quang, một bịch bột trắng là Sodium benzoat và bịch còn lại là hàn the (solium tetraborate); mẫu nước bột trộn gạo đã khuấy làm bún dương tính với chất tẩy trắng. Ông Cương khai cơ sở của ông hoạt động từ năm 2009, đến năm 2010 trong quá trình sản xuất có cho thêm chất tẩy trắng và chống mốc vào bún ở công đoạn quậy bột...
Cả hai cơ sở trên có quy mô khoảng 400 - 500 kg bún/ngày, cung cấp cho các chợ ở địa phương. Sau khi có kết quả xét nghiệm, PC49 đang củng cố hồ sơ để xử lý 2 cơ sở vi phạm.
Gây hại cho gan, thận, thần kinh...
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, Tinopal là chất cấm dùng trong thực phẩm. Chất này chỉ dùng trong ngành công nghiệp để tạo màu óng ánh, chẳng hạn người ta sử dụng Tinopal trong sản xuất sơn để sơn có màu óng ánh, đẹp. Thường các cơ sở sử dụng Tinopal trong sản xuất bún tươi để sợi bún có màu sáng óng ánh. Hàn the cũng bị cấm dùng trong thực phẩm. Với Sodium benzoat, Thông tư 27 của Bộ Y tế xem đây là chất phụ gia thực phẩm, nhưng chỉ cho phép sử dụng vào một số nhóm thực phẩm, nhưng với nhóm tinh bột như bún thì không được sử dụng. “Như vậy, cả 3 hóa chất phụ gia nói trên không được phép dùng trong chế biến bún tươi”, bác sĩ Huỳnh Mai khẳng định.
|
Còn bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, cho biết sử dụng huỳnh quang làm sáng bóng thực phẩm rất hại cho cơ thể vì nó chứa nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng. Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, gây ra các bệnh mãn tính, khiến người hay mệt mỏi, uể oải, nguy cơ gây ung thư. Hàn the là chất không được phép có trong thực phẩm. Hàn the khi vào cơ thể, không đào thải hết mà tích tụ lại làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn, trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận... Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất bún, phở vẫn dùng hàn the để sản phẩm dai, giòn. Tại TP.HCM, trước đây Sở Y tế TP cũng có lần kiểm tra cơ sở sản xuất bún tươi, tuy nhiên không phát hiện việc sử dụng chất huỳnh quang làm sáng bóng bún, mà phát hiện có sử dụng chất Sodium benzoat.
Ngọc Hà - Minh Nhật - Thanh Tùng
Bình luận (0)