Đừng chết vì... uống

14/10/2011 15:20 GMT+7

(TNTS) Nếu dùng nước bẩn cũng sẽ gây ra những căn bệnh nguy hiểm không kém việc dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Theo các chuyên gia, nước uống bẩn sẽ có tồn dư rất nhiều hóa chất và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe như E.coli, sắt, nitrit, trực khuẩn mủ xanh… Người uống nước bị nhiễm khuẩn trong thời gian dài hoặc nhiễm với lượng lớn đều có nguy cơ tử vong.

Cụ thể, theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM), E.coli hay trực khuẩn mủ xanh hoặc các loại vi khuẩn có hại khác sẽ gây nguy cơ nhiễm trùng đường ruột, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, có thể nhiễm trùng huyết gây sốt, thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu nhiễm clor, sulphate, sắt qua đường tiêu hóa, người uống nước cũng có thể bị viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, toan máu, rối loạn nội môi, sỏi mật, sỏi thận và cũng có nguy cơ gây co giật, tử vong. Còn nếu nhiễm nitrat, người uống nước sẽ có triệu chứng nhức đầu, nôn ói, tiêu chảy, thiếu oxy tím môi, tím mặt; với trẻ em cũng có thể tử vong.

 
Hãy cân nhắc khi dùng nước khoáng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Ngoài ra, theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, việc dùng nước bẩn còn gây ảnh hưởng đến da. Chẳng hạn, nước bị nhiễm khuẩn E.coli, trực khuẩn mủ xanh... có thể gây nhiễm trùng cho da, mô dưới da... đặc biệt nếu da đang có vết thương hở. Nước nhiễm hóa chất có thể gây kích thích da, làm giảm tác dụng của các sản phẩm chăm sóc da...

Xưa nay, trong suy nghĩ của nhiều người, nước khoáng là loại nước rất tốt cho sức khỏe. Nhưng bác sĩ Thủy khẳng định: Các loại nước khoáng phải dùng đúng trường hợp. Vì nước khoáng chỉ được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời bị mất nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau mất nước. Còn đối với người bình thường (không bị mất chất khoáng nhiều như những đối tượng kể trên) thì không khuyến khích dùng nước khoáng thường xuyên, mặc dù nếu thận hoạt động tốt thì những chất khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài. Người bị bệnh thận có chức năng thải khoáng kém càng không nên uống nước khoáng vì những chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù…

Đối với trẻ em, chỉ được sử dụng nước tinh khiết không có chứa chất khoáng để pha sữa và uống hằng ngày, vì chức năng thận của trẻ còn yếu, không nên bắt thận trẻ làm việc nhiều hơn để thải chất khoáng dư thừa ra ngoài. Rất nhiều bà mẹ đã mắc phải sai lầm khi mua nước khoáng đóng chai để pha sữa bột cho trẻ nhỏ uống, rất nguy hại cho thận của bé. Các hãng sữa trẻ em trên thế giới đã phải dày công nghiên cứu và tốn kém rất nhiều trong kỹ thuật chiết xuất, tách khoáng, hạ thấp tỷ lệ chất khoáng trong sữa bột để hạn chế gây hại cho thận của bé. Nếu dùng nước khoáng để pha sữa thì công lao trên đã thành "công cốc". Nước khoáng chỉ nên dùng khi trẻ tiêu chảy hay nôn ói nhiều bị mất chất khoáng cần bổ sung bù lại trong thời gian bệnh.

 Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.