Đừng chỉ trách học trò

21/04/2013 03:20 GMT+7

Cũng tạm lắng xuống rồi, cái vụ học trò “nhất quỷ nhì ma” Trường THPT Nguyễn Hiền ở TP.HCM vui mừng quá trớn rải đề cương tài liệu hết tác dụng trắng cả sân trường. Xét một cách toàn diện (theo cách nói của nghệ sĩ quá cố Văn Hiệp) thì vẫn phải trách các em vì hành vi bồng bột, thái quá ấy, chẳng hạn gây mất vệ sinh, gây sự ồn ào thiếu nghiêm túc chốn học đường… Nhưng lắng nghe dư luận vừa qua, thấy rõ rằng những ý kiến trách các em không đáng kể mà sự phàn nàn, bực bội lại hướng về những đối tượng khác. Và rất có lý.

Thực ra, chuyện các em “xé sách” là biểu hiện của tâm lý căng thẳng, bị ức chế, là giọt nước tràn ly mà thôi. Không bằng cách này thì bằng cách khác. Mà cũng chả phải chỉ với môn sử. Bất cứ môn nào bị đặt vào hoàn cảnh ấy cũng đều chịu chung số phận. Đó là gì nếu không phải là kết quả của một nền giáo dục nhồi nhét, áp đặt nặng nề, xơ cứng, chạy theo thi cử, chạy theo thành tích, trọng hình thức, thậm chí rất giả dối. Nền giáo dục ấy ngày càng xa rời cuộc sống, không nắm bắt được những chuyển động, những nhu cầu bức thiết của xã hội. Học trò phần đông coi việc học là gánh nặng, chán nản, thiếu niềm vui, thiếu sự phấn khích, thiếu niềm say mê. Nói đâu xa, chốn học đường hiện nay vẫn đang rất phổ biến công thức thầy đọc - trò ghi chép, nhất là các môn khoa học xã hội; học văn thì không thể thiếu văn mẫu; chiếc cặp học sinh tiểu học nặng cả chục ký; chương trình thì nặng nề, nay giảm tải mai giảm tải nhưng vẫn đè chết sự sáng tạo của các em; thi cử như trò ú tim, đánh đố, kết quả năm nào cũng cao nhưng chất lượng ngày càng đi xuống… Nhiều tệ trạng lắm, không thể liệt kê hết ra được.

Một chị bạn tôi có con du học tự túc bên Mỹ, kể rằng chị không tin con mình lại có thể thay đổi như thế. Hồi học trong nước, cháu thường lơ là, chểnh mảng, chỉ học đối phó miễn sao kết quả trên trung bình, được nghỉ học thì mừng lắm, vui lắm. Sang Mỹ một thời gian, với môi trường khác hẳn, cháu đã tự điều chỉnh mà không cần phải ai nhắc. Nhà trường đã tạo cho cháu niềm vui, niềm say mê, gắn bó. Lạ nhất là kỳ nghỉ Phục sinh vừa qua, trường cho nghỉ 6 ngày, cháu điện về than thở với bố mẹ chỉ muốn kỳ nghỉ qua nhanh, muốn học chứ chẳng muốn chơi, học vui lắm. Chị bạn tôi kết luận “không thể hiểu nổi” và khi khoe với tôi bảng điểm học kỳ của cháu không giấu được niềm tự hào, hãnh diện.

Nhiều hồi chuông cảnh báo về tệ trang giáo dục nước nhà đã cất lên. Nhiều nhà giáo dục có uy tín như Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại, Văn Như Cương, Hoàng Xuân Sính… đã lên tiếng về một nền giáo dục nhiều bất cập, nặng thi cử, để lại biết bao hệ lụy. Nhưng thật buồn, những người được giao nhiệm vụ coi sóc sự học nước nhà vẫn loay hoay với những luẩn quẩn mà không mở được tư duy giáo dục mới. Chỉ một cái tin đồn nhảm rất vô lý trên mạng về môn thi tốt nghiệp cũng đủ gây xáo trộn tâm lý của cả thầy lẫn trò, cũng khiến những vị lãnh đạo bộ GD-ĐT phải lên tiếng phân bua thì thử hỏi làm sao người dân có thể yên tâm về chuyện học của con em mình. Cứ cải tiến cải lùi mãi như thế này, chừng nào mới có thể tạo được lứa học trò “chỉ muốn học chứ chẳng muốn chơi”?

Nguyễn Thông

>> Cậu học trò vượt lên số phận
>> Gương sáng học trò
>> Nên duyên từ tình yêu học trò
>> Học trò... ngụy trang
>> Trở về tuổi học trò

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.