Đừng chơi Halloween theo kiểu làm lố, phản cảm độc hại

31/10/2023 10:11 GMT+7

Đã có một số vụ việc khiến dư luận "dậy sóng" vì vui chơi trong ngày Halloween theo hướng làm lố, phản cảm và độc hại. Vì vậy, cần nên có chừng mực, hiểu đúng giá trị và tính chất của ngày này, tránh phản cảm, tạo hình xúc phạm đến văn hóa, thuần phong mỹ tục.

Nên tiếp nhận ý nghĩa của Halloween theo hướng tích cực

Một số người trẻ lại không hiểu rõ ý nghĩa của Hallowen và đã có những hành vi chưa đúng mực, hóa trang xúc phạm tới văn hóa, thuần phong mỹ tục. 

Ví dụ điển hình như nhiều người trẻ chơi trò đắp chiếu, đốt nhang ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) vào đêm Halloween năm 2022, hay nhóm bạn của người mẫu C.T.T. (Top 3 Vietnam’s Next top Model 2012) mặc đồ bộ đội kết hợp với trang phục phản cảm vào năm 2015.

Nguyễn Thanh Tú, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: “Bản thân mình thấy Halloween du nhập vào nước ta mang ý nghĩa tích cực, một ngày mà mọi người trang trí hàng quán, trung tâm thương mại mang màu sắc ma mị. Tuy nhiên, một bộ phận người trẻ lại sử dụng ngày này để phục vụ cho mục đích cá nhân. Họ có những tạo hình hóa trang lố lăng, phản cảm như cảnh máu me, chết chóc…”.

Đừng chơi Halloween theo kiểu làm lố, phản cảm độc hại! - Ảnh 2.

Người trẻ cần tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Halloween để tránh có những màn hóa trang phản cảm

KIM NGỌC NGHIÊN

Nữ sinh cho biết yêu thích ngày này vì không khí vui tươi, thường giới trẻ sẽ tụ họp về phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) để nhảy múa, ca hát và ngắm những màn hóa trang độc đáo. Tuy nhiên, Tú cảm thấy lo lắng với một số người trẻ có tạo hình quá kinh dị, máu me, gây cảm giác khiếp sợ cho người khác.

Hoàng Minh Anh (27 tuổi) làm việc tại 366 Phan Văn Trị, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết cảm thấy khiếp sợ với những tạo hình của giới trẻ vào đêm Halloween năm 2022. Minh Anh cho biết đây vốn là một ngày lễ ý nghĩa của phương Tây, người trẻ nên tiếp nhận theo hướng tích cực. Minh Anh mong người trẻ đừng biến tướng thành những hành vi lệch lạc như đắp chiếu, giả chết, máu me…

Nguyễn Văn Bình, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: “Không ai cấm việc vui chơi Halloween và tinh thần của ngày lễ này ma mị, hơi hướng kinh dị. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để thể hiện tinh thần trên chứ không nhất thiết phải máu me, giả chết... vì nó rất phản cảm”.

Hành vi phản cảm xuất phát từ việc thiếu kiến thức

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết những tạo hình phản cảm được báo chí, truyền thông phản ánh trong các lễ hội Halloween vừa qua xuất phát từ việc thiếu kiến thức đối với hoạt động văn hóa này. Ông Giang cho biết việc tổ chức lễ Halloween ở phương Tây không chỉ có ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, mà còn mang tính giáo dục phải sống đạo đức, có ích để người đời sau tôn vinh.

"Một số người xuất hiện với tạo hình chết chóc, kinh dị, gợi cảm giác khiếp đảm là do không hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của Halloween. Họ tham gia Halloween theo một cách bản năng, trào lưu, bỏ qua những ý nghĩa nhân văn của lễ hội. Và chỉ chú trọng vào phần giải trí, hóa trang, miễn làm sao thật rùng rợn, khiến người xem phải ám ảnh, khiếp sợ rồi khoe trên mạng xã hội. Một nguyên nhân nữa đó là sự buông lỏng của cơ quan quản lý văn hóa trong việc kiểm soát các hành vi lệch chuẩn trong lễ hội Halloween như: thiếu hướng dẫn, chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong khâu tổ chức, chế tài xử phạt không nghiêm…", ông Giang nói.

Đừng chơi Halloween theo kiểu làm lố, phản cảm độc hại! - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang

NVCC

Theo ông Giang, bất cứ hoạt động văn hóa nào du nhập vào nước ta cũng nên tìm hiểu kỹ và được các cơ quan văn hóa chính thống truyền thông, hướng dẫn bài bản. Việc này giúp chúng ta không mắc phải những sai lầm, lệch chuẩn do tổ chức tự phát mà có. Từ đó, những người trẻ tham gia cũng được phổ biến kiến thức cơ bản về điều gì được phép làm, cái gì không nên trong ngày Halloween.

"Tham gia một lễ hội đến từ phương Tây như Halloween thì ngoài kiến thức, trải nghiệm, người trẻ rất cần quan tâm đến yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc. Cái bản sắc mà tôi nhắc đến đó chính là hành vi ứng xử cho vừa người xem, là chất nhân văn, sự tinh tế trong khi thực hiện các hoạt động văn hoá. Đó mới là cái gốc của vấn đề", ông Giang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Giang, với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, việc các yếu tố văn hóa nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam là điều tất yếu. "Lây lan" văn hóa là thứ chúng ta không thể cưỡng lại được, mà chỉ có thể chấp nhận sự hiện diện của nó. Thay vì cấm cản đối với Halloween thì nên có những biện pháp quản lý, tổ chức thật tốt sự kiện văn hóa này.

"Trước hết cần phổ biến kiến thức sâu rộng về ý nghĩa nhân văn của Halloween trong nhà trường và cho người trẻ, để họ định vị hành vi văn hóa của mình. Thứ hai, cơ quan quản lý văn hóa các địa phương nơi diễn ra Halloween cần quy hoạch địa điểm, hướng dẫn cách thức tổ chức cho người trẻ. Thứ ba, cần phát hiện và chế tài mạnh tay đối với những cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động hóa trang có dấu hiệu lệch chuẩn, phản cảm, gây bức xúc dư luận. Thứ tư, các cơ quan báo chí, truyền thông cần mạnh tay lên án đối với những hành vi lợi dụng Halloween để thực hiện hóa trang rùng rợn, gợi cảm giác chết chóc, kinh dị ám ảnh đối với người xem", ông Giang nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.