Tôi nhớ khoảng năm 1968 - 1969, giới thưởng thức ca nhạc phải nhíu mày vì sáng kiến tai hại của một nữ ca sĩ với ca khúc Bài không tên cuối cùng của Vũ Thành An. Sau khi lỡ đi sâu can thiệp vào chuyện tráo đổi “anh” với “em” trong lời bài hát rồi, cô ca sĩ này còn táo bạo “giải quyết” luôn để khỏi đi vào ngõ cụt: “Này anh hỡi, con đường anh đi đó, con đường anh theo đó, đúng hay sai anh - Mưa bên “nàng” có làm anh khóc, có làm anh nhớ những khi mình mặn nồng?” (thay vì theo lời bài hát là: “Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, sẽ đưa em sang đâu. Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng?”).
Nhưng khuynh hướng hát theo ý mình, “chuyển đổi giới tính” ca khúc phổ biến nhất có lẽ là gần đây, bắt đầu từ một số giọng ca nữ trẻ hải ngoại, sau đó là hàng loạt nữ ca sĩ trong nước chịu ảnh hưởng, coi đây là chuyện tự nhiên mà không biết rằng họ đã vô tình làm tan nát cái hồn của bài hát. Nhiều trường hợp gần như “giết chết” phần ca từ, biến nó thành khôi hài, khiến cho những khán thính giả tìm nghe lại, hết sức thất vọng.
Một số nữ ca sĩ dường như không hề biết đến chuyện phân biệt giữa cái tôi trữ tình và nhân vật trữ tình. Vì thế thoải mái đồng hóa tất cả vào tình cảm của cái tôi trực tiếp. Nhiều nữ ca sĩ chỉ làm một việc đơn giản là đổi bất cứ từ “anh” nào đó thành từ “em”, và sau đó thì tha hồ thể hiện “tiếng lòng” chủ quan của mình. Khổ nỗi là tình cảm bộc lộ trong bài hát, đa số - nếu không nói là tất cả - từ “anh” không dễ dàng cho phép đổi thành “em”.
Hầu hết những ca khúc đều thể hiện tình cảm trực tiếp của tác giả (từ văn học gọi là của cái tôi trữ tình). Trước hết, người hát phải hiểu là mình hát lên tâm tình của (riêng) tác giả; sau đó mình cũng có thể diễn tả cái tâm tình của con người nói chung - trường hợp đó người ca sĩ thể hiện những tâm tình của tác giả như là trình bày tâm trạng của một nhân vật trữ tình.
Ta hát vì bài hát đẹp, và ta thưởng thức cái đẹp, tôn vinh cái đẹp. Quyền lợi của người hát là ở chỗ này. Chứ không phải ở chỗ “mượn tạm” sáng tác của người ta làm của mình, để thể hiện tâm tình riêng của mình, để rồi nhất quyết phải đổi “anh” thành “em”. Chẳng biết những người trình diễn có hiểu rằng hát như vậy là làm cho những giai điệu rất đẹp trở thành vô hồn hay không?
Ngay một ca khúc như Mộng chiều xuân của Dương Thiệu Tước chẳng hạn, có người đổi “anh” thành ra “em” để hát như thế này: “Một chiều gió mưa - “Em” về thăm chốn xưa - Non nước u buồn - Nào đâu bóng cố nhân - Lòng xót xa tình xưa...” thì đã thấy có gì đó không ổn rồi. Phải rồi! Cái giai điệu ở đây nghe phù hợp với sự chủ động, vững vàng hơn, “đàn ông” hơn, không hề có cái vẻ mềm mại của tâm tình người con gái.
Bài Ngàn thu áo tím của Hoàng Trọng mà đổi “anh” thành “em” để hát như thế này thì hẳn bất cứ thính giả nào cũng khó mà chấp nhận: “Anh xa xôi áo bay trong chiều rơi!” (đáng lẽ nguyên văn là: “Em xa xôi áo bay trong chiều rơi” - “Anh” đã bị cô ca sĩ cho mặc áo dài tím Huế một cách đầy... sáng tạo). Đó là hậu quả “lô-gic” của câu mở đầu đã bị đổi: “Ngày xưa xa xôi anh rất yêu màu tím”. Cuối cùng cái hồn của bản nhạc bị tan nát.
Ngay cả bài Hoa rụng ven sông được hát ngay trước mặt nhạc sĩ Phạm Duy mà vẫn bị “chuyển đổi giới tính”: “Chiều nay trên sông hoa rụng tơi bời - Chiều nay “anh” ơi cơn mộng tan rồi - Lòng “em” tan hoang thôi vỗ tình ơi”. Làm sao lại có thể để cho những câu thơ tình hay nhất bị “xử lý” tùy tiện như vậy được? Đúng là hết ý kiến!
Lê Nguyên Đại
Bình luận (0)