‘Đừng có chụp ảnh nữa’

02/03/2016 13:45 GMT+7

Nỗi đau nào lớn hơn khi trong tột cùng sự mất mát, có những người ngoài cứ mang máy ảnh dí vào mặt rồi hỏi những câu đại loại như, “Cô ấy đi ra ngoài lúc mấy giờ?”, “Cô ấy quê ở đâu, các con bao nhiêu tuổi, chồng làm nghề gì?”.

Một trong những công việc tôi không bao giờ muốn làm, đó là đưa tin hậu trường những vụ tai nạn giao thông, những thảm cảnh cháy nhà, chết chóc.

Một em bé thoát chết sau vụ sập nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo trở về ngôi nhà cũ và tìm thấy con chó của mình đang run rẩy trong đống đổ nát - Ảnh: Thúy Hằng

Nhưng với công việc làm báo, không phải mình được chọn lựa cái muốn làm và thích làm. Tôi đã từng làm việc ở nhiều đám cháy, nhiều tang lễ của nạn nhân tai nạn giao thông, nhà sập… và nhiều thảm nạn khác, để rồi khi ra về cứ day dứt, đau đớn như chính mình đang là một kẻ ác.
Đó là một đám cháy ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cả năm người trong một gia đình đều bị chết cháy. Thi thể các nạn nhân đã được đưa đến nhà tang lễ gần nhất, công an đo đạc hiện trường, trong một con ngõ rất nhỏ rất đông hàng xóm láng giềng, người nhà nạn nhân có người ngất lịm trước nỗi đau quá lớn.
“Tạch tạch tạch tạch”, những tiếng cửa trập máy ảnh vang lên, rất đông phóng viên có mặt ở hiện trường, nhiều người muốn có những khoảnh khắc xúc động để đưa tin về vụ cháy. Những chiếc máy ghi âm, máy điện thoại được mang ra, đưa sát miệng những người đang khóc nấc: “Hãy kể cho cháu/hãy kể cho em nghe đi, cụ thể sự việc như thế nào?”, “Lúc cháy chị ở đâu, làm gì?”.
Bỗng có tiếng hét rất lớn của một phụ nữ: “Đừng có chụp nữa”. Cô gái trẻ hét lên, mắt giàn dụa nước: “Nhà tôi chưa đủ khổ hay sao mà các người chụp lắm thế, hỏi lắm thế”. Chính tôi thấy tủi hổ cho chính bản thân mình, khi tay mình còn đang cầm cây bút, máy ảnh còn những tấm ảnh cận cảnh những sắc thái đau đớn của người vừa mất gia đình. Tôi giật mình, tôi đang là một con kền kền sao?
Nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội bị sập khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương - Ảnh: Thúy Hằng
Ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo sập, cuộc tìm kiếm xác nạn nhân kéo dài từ trưa đến khuya muộn, ngoài người phụ nữ mưu sinh bằng nghề bán rau bị chôn vùi trong đống đổ nát hoang tàn, còn một phụ nữ ở dãy phố kế bên, chỉ trong vài phút đi nhờ toilet cũng không thể quay về với chồng con. Lúc đó đã là 21 giờ, thi thể chị đã được tìm thấy, tôi đi đến nhà chị và thấy tim mình như bị bóp nghẹt khi đứng trước cánh cửa khép chặt, bên trong là hai đứa trẻ ngơ ngác hỏi người lớn đang đứng bên ngoài: “Mẹ cháu đã về chưa?”.
Những đôi mắt đỏ hoe của những người đàn ông đang ngồi phủ phục trước thềm nhà, một phụ nữ lớn tuổi ra dấu hiệu cho người còn lại, ý bảo, đừng có nói cho bọn trẻ là mẹ chúng không còn sống.
Tôi đi thật xa, ôm chặt cái ba lô đầy đủ bút, sổ, máy ảnh, tôi không thể hỏi họ gì thêm giây phút ấy. Nỗi đau nào lớn hơn khi trong tột cùng sự mất mát, có những người ngoài cứ mang máy ảnh dí vào mặt rồi hỏi những câu đại loại như, “Cô ấy đi ra ngoài lúc mấy giờ?”, “Cô ấy quê ở đâu, các con bao nhiêu tuổi, chồng làm nghề gì?”.
Bạn phóng viên ảnh đi cùng tôi đi một quãng rất xa rồi mới dùng ống tele chụp lại một bức hình không rõ mặt người nhà. Chúng tôi cũng không có thông tin cụ thể cho gia đình nạn nhân trong bài viết sau đó trên mặt báo, tôi chấp nhận bị khiển trách, phê bình vì làm việc chưa thấu đáo. Nhưng, điều đó khiến tôi thấy mình đỡ tội lỗi hơn.

Vụ xe Camry phóng ẩu khiến 3 người chết gây phẫn nộ - Ảnh: An Chiến

Sau một thảm cảnh cháy nhà thảm khốc tại Hải Phòng, đồng nghiệp tôi đang làm việc tại một tờ báo uy tín khác là một trong những người đầu tiên cùng lực lượng công an có mặt tại hiện trường. Anh dư thời gian và dư sức chụp được những bức ảnh, quay những thước phim “đắt giá” nhất, không báo nào chụp được về hiện trạng, người nhà, những nỗi đau chồng chất, thế nhưng anh chỉ chụp vài tấm ảnh lực lượng chức năng đang làm việc, tuyệt nhiên không thấy những khuôn mặt, tiếng gào khóc của những người còn sống.
“Tôi biết rằng mình sẽ bị cơ quan phê bình vì không có ảnh tốt, nhưng tôi chấp nhận. Người ta chưa đủ bất hạnh hay sao, để những ống kính còn chĩa vào họ và nhân lên đau khổ?”, anh chia sẻ.
Những vụ tai nạn thảm khốc, xe Camry tông chết 3 người, những thảm nạn sập nhà, cháy nhà, đuối nước khiến nhiều sinh mạng ra đi… cứ mỗi giờ, mỗi ngày lại xảy ra trong thành phố chúng ta đang sống. Nhà báo chẳng bao giờ muốn đưa tin về những vụ việc đau lòng như thế. Văng vẳng bên tai tôi luôn là giọng người phụ nữ khàn đặc hét lên trong đám đông: “Đừng có chụp nữa!”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.