Đứng dậy sau chấn thương - Kỳ 5: Không sợ đau đớn, chỉ sợ hèn nhát

17/06/2013 00:00 GMT+7

Nữ hoàng judo Văn Ngọc Tú đã nén đau hiên ngang lên sàn tại ASIAD 2010 thể hiện hết sức mình, dù chấn thương lỏng khớp vai được cảnh báo là vô cùng nguy hiểm.

Nữ hoàng judo Văn Ngọc Tú đã nén đau hiên ngang lên sàn tại ASIAD 2010 thể hiện hết sức mình, dù chấn thương lỏng khớp vai được cảnh báo là vô cùng nguy hiểm.

“Cảm ơn” chấn thương

Cô gái nhỏ nhắn với biệt danh “Tú dừa”, giọng nói cũng ngọt như kẹo dừa khúc khích hỏi người đối diện: “Chấn thương của em như cơm bữa. Chị hỏi “cơm” năm nào nhỉ?”. Từ ngày đến với judo, không năm nào Tú không phải đến trung tâm phục hồi hay bệnh viện thể thao. Năm đau tay, đau chân, năm thì cả chân và tay cùng đau. Bộ phận trên cơ thể hay đình công nhất phải kể đến bàn chân, đầu gối và bả vai. Người ngoài nghe đến lật bàn chân, sưng đầu gối hay lỏng khớp vai thấy rờn rợn, Tú gọi tên chúng nhẹ như không. Cô gái bỗng trở thành gương mặt thân quen của bác sĩ Nguyễn Văn Phú - Bệnh viện thể thao QG và nhiều y bác sĩ tại Quảng Châu (Trung Quốc) nơi cô sang tập huấn.

Cô gái bảo có duyên nợ nhất với chấn thương bả vai. Những cơn đau đã rủ nhau tấn công Tú từ đầu năm 2010. Cô không phải không biết, tuy nhiên chưa vội vàng nhập viện ngay vì biết ASIAD đang ở trước mặt, thà chịu đau chứ thi đấu thì quyết không thể bỏ. Vừa luyện tập vừa tập các bài tập bổ trợ, hạn chế những cơn đau đang dày lên về tần suất, Tú vẫn phớt lờ những cảnh báo của các bác sĩ tại Quảng Châu để tham gia ASIAD. “Lỏng khớp vai nguy hiểm lắm rồi. Nếu cứ thi đấu, rất có thể khớp vai tuột ra bất cứ lúc nào!”, một bác sĩ đanh giọng trước giờ Tú ra sân. Bỏ hết ngoài tai, cô gái vẫn bảo thầy: “Con muốn được đấu đến cùng”.


Nụ cười chiến thắng quen thuộc của Văn Ngọc Tú - Ảnh: Hồng Long
 

Vòng ngoài, cô hạ gục đối thủ người Kuwait trong tiếng reo hò của đồng đội và ánh mắt thấp thỏm của các thầy trong ban huấn luyện. Vòng trong, cô diện kiến với một đối thủ người Mông Cổ. Tú nghe cái khớp vai nóng ran lên, giần giật. Cô toát mồ hôi, mặt tái đi. Nếu nghỉ thì hèn quá chăng? Trong đầu Tú, hàng trăm dấu hỏi ong ong lên: “Đấu? Nghỉ? Đấu? Nghỉ?” và Tú quyết: “Đấu!”. Khán giả hồi hộp dõi theo một màn đấu giữa hai đối thủ không cân sức. Kết quả không khó dự đoán, nhưng với khán giả, các đồng đội, HLV, ngày hôm đó Tú là người vô địch.

Sau mùa giải, Tú ngoan ngoãn vào Bệnh viện thể thao chữa trị đồng thời kết hợp các biện pháp tập luyện phục hồi tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn. Trung tâm thiếu máy tập bổ trợ, cô sẵn sàng tự đi từ Nhổn đến Bệnh viện thể thao Mỹ Đình để được bác sĩ tư vấn. Bạn bè không đành lòng nhìn “bông hồng” của judo một mình chiến đấu với chấn thương, phân công nhau ngày ngày đưa Tú đi bệnh viện, trò chuyện cùng Tú những ngày cô phải tạm ngừng thi đấu để chữa trị, mong người đẹp judo mau trở lại sàn thi đấu. “Không có chấn thương, làm sao tôi biết được quanh mình nhiều tình yêu đến thế. Cảm ơn nó còn không xong, chứ nuối tiếc gì”, cô gái quê Sóc Trăng cười.

Cần gia vị dũng cảm cho cuộc sống

Cái duyên đưa Tú và một chị gái, một em trai của cô cùng trở thành võ sĩ judo. Với Tú, cái duyên ấy đủ để cô vượt qua mọi đau đớn về thể xác và cả những nỗi đau tinh thần mà thể thao vô tình đem lại. Từ một đứa trẻ ốm yếu, nhút nhát, cuộc đời Văn Ngọc Tú sang trang mới khi cả 3 chị em cô cùng tìm đến judo. Tú khỏe hơn, hiển nhiên, nhưng sự dũng cảm, bản lĩnh của một cô gái theo nghiệp võ mới là điều khiến cô tự hào nhất với cha, mẹ. Năm 2010, bị chấn thương nặng tại Trung Quốc mà bạn bè, người thân của Tú ở Việt Nam không hề hay biết, cho đến khi báo chí đưa tin, ai nấy mới hốt hoảng gọi điện hỏi thăm. Riêng bố mẹ của Tú (đang ở Sóc Trăng), phải khi về Việt Nam, chữa trị ổn định phần nào, cô mới từ Hà Nội về thăm quê và cho hai người biết tin. Cô con gái nhỏ không muốn thành nỗi lo lắng của cha mẹ. Mẹ Tú khóc òa, đôi tay thô ráp năn nắn bả vai cô con gái và nức nở: “Sao con không gọi cho bố mẹ, tội nghiệp con quá...”.

Lựa chọn judo, Tú lựa chọn luôn cả tương lai xa quê hương. Không ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của Tú có những phần gia vị mang tên lòng dũng cảm. Gia vị ấy giúp Tú vượt qua chấn thương lỏng khớp vai trong đúng 3 tháng. 3 tháng không thi đấu nhưng không phải nằm yên một chỗ mà vẫn tập các bài tập cổ tay, cổ chân, cơ bụng để tránh teo cơ, giữ sức bền, dẻo dai của cơ thể. Lâu ngày không được ra sàn đấu, ngứa tay ngứa chân, cô gái vẫn tập trong tưởng tượng những ngón đòn sở trường của mình là Morote Seoinage (hệ thống đòn tay có tác dụng quật ngã đối phương về phía trước) hay Uchimata (hốt cả 2 chân đối phương). Sau 3 tháng ngơi nghỉ, Tú lại tiếp tục vào guồng để chuẩn bị cho SEA Games 2011. Tấm vé vào Olympic London 2012 càng như một liều thuốc bổ giúp Tú sung sức hơn. Dư chấn vết thương bả vai hay những cơn đau bất chợt ập đến của đầu gối, mu bàn chân đến ngày hôm nay vẫn không làm cô thất vọng.

Cô gái 26 tuổi chưa... theo ai về dinh, cô bảo sẽ cống hiến hết những năm tháng còn đơn thân cho bộ môn thể thao mình yêu. “Tôi không muốn xa judo. Judo cho tôi cuộc đời hôm nay. Nước mắt thì ở đâu cũng có thể rơi. Nhưng với judo, tôi chưa từng khóc vì thất bại. Tôi có thể đau đớn nhưng luôn tự tin mình là người dũng cảm”.

Văn Ngọc Tú sinh năm 1987 tại Sóc Trăng. Năm 16 tuổi vô địch SEA Games 22. Liên tiếp đến SEA Games 26, 4 lần vô địch ở hạng cân 48 kg. HCĐ giải trẻ châu Á năm 2004, 2007. HCĐ giải World Cup nữ thế giới năm 2010, HCĐ châu Á 2011. Đại diện duy nhất của judo khu vực Đông Nam Á được tham dự Olypic London 2012.

Thúy Hằng

>> Nữ hoàng kata Nguyễn Hoàng Ngân sẽ dự Asiad 17
>> Tài năng mới nhắm HCV ASIAD
>> Mục tiêu của thể thao VN năm 2013: Đầu tư cho Asiad 2019
>> Chỉ tiêu “khủng” tại ASIAD 18

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.