Cần dập tắt dịch kịp thời
Nếu không có phương án đối phó, một khi đã nhiễm vào người lớn như Viện Pasteur Nha Trang công bố thì bệnh sẽ lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm. Bản thân tôi cũng có con nhỏ và thực sự cảm thấy lo lắng trước căn bệnh này. Con tôi còn nhỏ, ít ra ngoài, nhưng biết đâu đấy, với việc bệnh đã nhiễm vào người lớn thì chính tôi, ông bà... sẽ là những người mang bệnh về cho con. Bộ Y tế hãy nhìn thẳng vào sự thật đi, phải công bố dịch và có phương án điều trị, dập tắt dịch kịp thời. Đừng để căn bệnh này cướp thêm hàng trăm sinh mạng của trẻ em nữa rồi mới công bố!
Nguyễn Mỹ (Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM)
Cần xem lại quy định
Theo tôi, cụm từ “kiểm soát được” trong tiêu chuẩn công bố dịch là quá mơ hồ. Thế nào là kiểm soát được? Thế nào là vượt quá khả năng kiểm soát? Không có một tiêu chuẩn, một con số cụ thể. Nên chăng, quy định tỷ lệ người mắc bệnh/số dân hoặc tỷ lệ tử vong/số dân thì rõ ràng, minh bạch hơn. Dù thế nào thì quy định vẫn là quy định, cái chính vẫn là cái tâm của những người làm trong ngành y tế. Nếu các cán bộ y tế nhận thấy tình hình bệnh ở địa phương mình đã là dịch nhưng do bệnh thành tích, ngại mọi người biết địa phương mình có dịch, ngại người khác thấy khả năng yếu kém của địa phương mình trong việc dập tắt bệnh... mà không công bố dịch, ém thông tin thì đó mới là “dịch” thật sự, “dịch bệnh thành tích”. Rất mong sẽ không có “dịch bệnh thành tích” trong việc phát hiện, điều trị bệnh tay chân miệng.
Kiểm soát được mà bùng lên thế kia?
130 người chết là con số quá đau lòng. Tôi thấy cách phân tích của Báo Thanh Niên là rất sâu sắc và hợp lý. Vì vậy, không lý do gì mà Bộ Y tế không công bố tay chân miệng đã trở thành dịch để có phương án, kinh phí phù hợp nhằm dập tắt dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Nguy cơ lây nhiễm cao
Tình hình quá tải và cơ sở vật chất thiếu thốn càng làm cho bệnh dịch lan rộng. Nếu có dịp vào Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM mới thấy nguy cơ lây nhiễm quá cao. Hiện nay, rất nhiều người bệnh truyền nhiễm không có giường nằm, phải nằm ở hành lang. Với điều kiện vệ sinh như vậy cùng với công tác tẩy rửa, tiệt trùng kém thì khả năng lây lan bệnh là rất cao. Không chỉ nơi đây có tình hình như vậy mà hầu hết các bệnh viện lớn đều thế. Hy vọng Nhà nước cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc sớm công bố dịch để có phương án chống dịch hiệu quả.
Bệnh thành tích
Theo tôi, việc chậm công bố dịch tay chân miệng là do căn bệnh thành tích mà ra. Cứ báo cáo là “kiểm soát được” mới thể hiện được năng lực lãnh đạo giỏi của mình. Chính vì thế mà địa phương nào cũng ém nhẹm thông tin. Theo tôi, con số trẻ mắc bệnh và trẻ tử vong như báo đăng có thể thấp hơn nhiều so với thực tế.
Trần Thị Hoa (Mỏ Cày, Bến Tre)
Tăng cường việc phòng chống bệnh
Việc công bố dịch rất quan trọng. Đây là động thái để mọi người dân và cả nhà nước cùng tập trung tất cả nguồn lực, ý thức, sự phòng tránh để dập dịch. Nếu Bộ Y tế chưa công bố dịch tay chân miệng trong lúc này thì cũng cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, vận động từng người dân tập trung phòng ngừa, chống lại dịch bệnh có hiệu quả.
Thanh Đông
(tổng hợp)
Bình luận (0)