“Lười” tái khám
Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh hen phế quản phải nhập viện điều trị, nhiều trường hợp nguy hiểm tính mạng do không tuân thủ hướng dẫn kiểm soát hen.
Một bệnh nhân nữ (60 tuổi, ở Hà Nội) vào viện trong tình trạng khó thở rất nặng, tím tái. Trước Tết Nguyên đán, bệnh nhân đã đi khám do một cơn hen cấp tính và được bác sĩ kê đơn thuốc uống. Bệnh nhân kể: “Sau khi uống thuốc theo đơn, tôi có khám lại một lần, thấy dễ chịu, ổn định nên không đến tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Gần đây thời tiết liên tục thay đổi khiến tôi rất khó chịu. Chưa kịp đi khám thì đã phải vào cấp cứu vì cơn khó thở lúc sáng sớm”.
|
Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, công tác tại Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, tâm lý chung của nhiều bệnh nhân hen phế quản là sau đợt điều trị theo đơn của bác sĩ, thấy sức khỏe ổn định cứ đinh ninh khỏi bệnh nên không tái khám theo hẹn. Chỉ đến lúc cơn hen bùng phát trở lại thì mới đến bác sĩ.
Sai lầm thường gặp
Bệnh nhân tự ý ngưng thuốc. Khi đó bệnh dễ bùng lên, cơn cấp tái phát thường nặng hơn, vì vậy sẽ phải dùng thuốc điều trị “tấn công”, làm tăng chi phí điều trị, tăng tác dụng phụ do thuốc. Bệnh nặng hơn cũng làm tăng nguy cơ tử vong.
Nhiều bệnh nhân không tái khám theo hẹn của bác sĩ, tự mang đơn cũ ra mua uống tiếp. Việc này dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, đồng thời tăng chi phí điều trị và tác dụng phụ do thuốc.
Theo bác sĩ Khánh, sau một đợt điều trị, bệnh nhân hen cần được điều chỉnh thuốc phù hợp với diễn biến bệnh. Có thể sau đợt dùng liều “tấn công”, bệnh nhân sẽ được điều chỉnh với liều duy trì, liều thuốc thấp nhất mà vẫn kiểm soát được bệnh, điều này rất quan trọng vừa giảm được chi phí điều trị vừa giảm được tác dụng phụ do thuốc. Nhưng khoảng 50-70% bệnh nhân tái khám lần một và chỉ 20-30% tái khám lần hai. Ở lần tái khám thứ ba, gần như 100% bệnh nhân ở mọi đối tượng không tuân thủ, chỉ gặp lại bác sĩ khi bệnh tái phát nặng.
Yếu tố nguy hiểm
Một số thuốc giảm đau, cảm cúm làm tăng nguy cơ xuất hiện hen kịch phát. Khoảng 20% bệnh nhân hen người lớn từng xuất hiện cơn hen kịch phát có liên quan đến thuốc giảm đau, cảm cúm.
Môi trường khói bụi, lông của các vật nuôi, phấn hoa là tác nhân quan trọng gây hen kịch phát. Cần giữ cho không khí trong nhà khô thoáng, sạch. Nấm mốc là tác nhân khiến hen khó kiểm soát; xuất hiện khi giường chiếu, đồ dùng, tường nhà ẩm mốc.
Béo phì không tốt cho bệnh nhân hen. Cần kiểm soát cân nặng hợp lý vì nhiều nghiên cứu đã chứng minh mức độ khó kiểm soát hen phế quản tỷ lệ thuận với gia tăng cân nặng.
Viêm đường hô hấp trên do lạnh, do cảm cúm sẽ phải sử dụng thuốc, làm gia tăng mức độ phản ứng dị ứng - là yếu tố nguy hiểm cho người bị hen phế quản.
Theo bác sĩ Khánh, để kiểm soát hen tốt thì ý thức tuân thủ điều trị của người bệnh là rất quan trọng. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng cần cung cấp thông tin cặn kẽ để bệnh nhân hiểu về bệnh, từ đó có ý thức tuân thủ điều trị tốt hơn.
Liên Châu
>> Thời điểm ăn cá giúp trẻ tránh bệnh hen suyễn
>> Chó giúp ngăn ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ
>> 13% học sinh nội thành mắc bệnh hen
>> Ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh hen
>> Sữa mẹ giúp trẻ phòng bệnh hen
Bình luận (0)