Khi mọi người xôn xao về những cái xấu xí của người Việt ở nước ngoài như không chịu xếp hàng, xả rác bừa bãi, ăn cắp vặt... thì hôm nay khi đọc bản tin Bị đâm chết khi phát cơm từ thiện, hẳn ai cũng rùng mình.
|
Tôi đã rùng mình khi nhìn người phụ nữ gầy gò ấy ôm con khóc với cái xác của người chồng. Họ đang làm những công việc ở tầng thu nhập thấp nhất của xã hội: ăn xin và nhặt ve chai. Cái việc phát cơm từ thiện của anh vừa làm việc đẹp, đơn giản, vừa giúp anh chị có thêm được hai phần cơm miễn phí sau khi làm việc. Chẳng hiểu vì đâu, một công việc thuần túy từ thiện, người phát cơm thuần túy nhọc nhằn và “món lợi” to nhất cũng chỉ là hai hộp cơm, lại có thể bị kéo vào một tội ác kinh khủng như vậy: bị giết vì người đợi phát cơm thấy đông quá, mãi không tới lượt nên tức giận.
Bản tin giết người ấy găm vào tâm trí của những người bình thường như một mũi kim. Ông chồng chết vì một hộp cơm. Có một đứa bé hai tuổi mất cha cũng chỉ vì một hộp cơm. Các lý do giết người, vung dao, vung kiếm ngày càng dễ dàng hơn, đơn giản hơn và dễ thực hiện đến bất ngờ. Có những lý do khi nghe thấy, người ta tự hỏi sao một chuyện thường thường như vậy lại có thể hóa thành một tội ác, cùng lắm thì thành vài câu chửi nhau, cãi lộn là hết mức. Thế mà nó hóa thành một vụ giết người.
Hãy đọc những vụ giết người: một cậu trai bị đánh đến chết vì lỡ... đi cua gái trong một làng khác, hai người thách đấu qua Facebook xong dùng kiếm đâm chết nhau, thách thức nhau trong một cuộc nhậu rồi hậm hực đánh chết bạn nhậu, thấy cậu trai lạ “nhìn đểu” đánh chết cho chừa. Cái chết đến dễ quá, nó bắt đầu chỉ bằng những đôi co, lời qua tiếng lại, mà sau khi nhìn lại, người ta giật mình tự hỏi, sao mâu thuẫn gì nhỏ nhặt và tầm phào như vậy?
Ngày càng xuất hiện những người thấy việc cầm hung khí lên để “giải quyết vấn đề” là một chuyện có lý. Nhiều người đơn giản là không hề suy xét khi vung dao lên, không nghĩ đủ xa đến mức mình có thể vướng vô chuyện gì, người đối diện có thể gặp phải bi kịch gì hay ai có thể đau khổ từ việc ác mình gây ra. Kẻ muốn dùng sức mạnh áp chế và tấn công người khác thấy khả năng của mình đầy rẫy, trong khi người yếu hơn không biết bấu víu vô cái gì cho một sự bảo vệ rõ nét, có sức mạnh.
Có một ông già từng nói với tôi: “Lũ trẻ bây giờ không sợ cái chết nữa. Có lẽ chúng chưa hiểu ý nghĩa của sự sống”.
Đã một thời gian quá dài vượt qua những nhọc nhằn, khốn khổ, đủ để người ta lớn lên và sống như cây cỏ bản năng không chút cắt tỉa, uốn nắn hay được quy hoạch trong những hành vi phù hợp. Người ta thấy cơn giận có thể có nhiều hơn một giá trị, nơi nó có thể áp chế kẻ khác, tấn công, xâm hại mạng sống của kẻ làm mình không hài lòng, để trở thành người mạnh - người chiến thắng.
Tâm tính của cái ác thật dễ dàng lan ra, được truyền tai nhau, rỉ rả trong những cuộc chơi và trò buôn chuyện ngoài xóm, đầu làng. Trong những cuộc bàn tán, thảo luận trên internet, có những nhóm đem hình ảnh kẻ giết người ra, tán dương như một thần tượng bất chấp tất cả để khẳng định mình, thể hiện điều mình muốn nói, tỏ ra mạnh mẽ và không sợ gì hết! Có thời Lê Văn Luyện trở thành "thần tượng" hấp dẫn và thời thượng của nhiều người trẻ trung và lạ lùng.
Nhiều kẻ trong số ấy tin rằng cầm kiếm ra sân bóng rồi đâm chết thằng bạn là nó sẽ sợ mình, hoặc không đưa cơm cho mình thì đáng bị đâm chết.
Cái chết dễ dàng quá. Nó biến cuộc sống thành tạm bợ, còn cái ác lại lan truyền cao và hấp dẫn.
Nó có phải là sự “xấu xí” không? Hay cái ác đã quá hấp dẫn?
Chỉ là hôm qua, một đứa trẻ con tự dưng khóc mãi không thôi, vì cha đã nằm im lạnh ngắt sau một buổi phát cơm từ thiện...
Duy Minh *
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người sống và làm việc tại TP.HCM
>> Ấm áp tình người trong đám tang nạn nhân 'bị đâm chết khi phát cơm từ thiện
>> Đang phát cơm từ thiện giữa phố, 1 người bị đâm chết
>> Bị đâm chết khi phát cơm từ thiện: Hung thủ ra tay vì chờ cơm lâu?
Bình luận (0)