Mặc dù nhà nước đã ban hành Quy ước về việc tổ chức lễ cưới trang
trọng, tiết kiệm và có hiệu lực từ lâu, song những năm gần đây, người
dân ở các vùng quê vẫn đua nhau tổ chức tiệc cưới linh đình tốn kém.
Tổ chức lễ cưới thật giản đơn, tiết kiệm, tùy theo túi tiền của mình - Ảnh minh họa: Bùi Thanh Xuân |
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không muốn tiết kiệm, song cái chính vẫn là tục trả nợ miệng đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người. Nhà này có cỗ to, mà nhà khác làm cỗ bé thì e rằng thua kém quá, vì thế, cuộc đua tổ chức lễ cưới không có điểm dừng về cả số lượng mâm cỗ cũng như chất lượng bàn cỗ.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều đám cưới gia chủ làm cỗ tới vài trăm mâm. Có nhà, họ hàng nhiều, quan hệ rộng thì chuyện họ làm cỡ 300 mâm không phải là hiếm. Rồi nữa, không chỉ tổ chức ăn cỗ trong một buổi chính, bây giờ nhà nào cũng tổ chức ăn uống linh đình cả 3 ngày, từ hôm dựng rạp tới hôm lại mặt. Chất lượng cỗ thì rất “hoành tráng”, nhiều gia chủ đãi toàn món hải sản biển, đặc sản thú rừng. Việc bỏ ra mấy chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng chi cho tiệc cưới là bình thường.
Ngoài tiền làm cỗ ra thì đám cưới ở quê bây giờ cũng khá tốn kém về nhiều khoản rất rườm rà. Có nhà thuê cả ô tô để rước dâu, mặc dù nhà trai cách nhà gái chỉ độ vài cây số đường đồng, như thế chỉ nhằm mục đích phô trương mà thôi! Không ít cô dâu, chú rể cầu kỳ lên tận thành phố lớn để thuê váy áo cưới và thuê người hóa trang, tiền thuê lên tới vài triệu bạc…
Hậu quả của việc cưới to, cưới sang cho đẹp mặt với thiên hạ ấy là những khoản nợ phải gánh. Có gia đình, bố mẹ trả mấy năm chưa hết nợ cưới cho con. Đại đa số các cặp vợ chồng trẻ phải chịu một phần nợ cưới của mình và thật vất vả trong giai đoạn đầu lập nghiệp khi phải nai lưng làm để trả nợ.
Tốt nhất nên tổ chức lễ cưới thật giản đơn, tiết kiệm, tùy theo túi tiền của mình, không nên phô trương tốn kém, mà rồi phải è lưng trả nợ.
Bình luận (0)