Đừng dễ dãi dành danh xưng diễn giả cho người không xứng đáng

04/04/2023 10:38 GMT+7

Một số tổ chức thừa nhận việc đã quá ưu ái khi gọi một người "biết nói, biết diễn thuyết" là diễn giả. Họ đồng ý với việc không thể dễ dãi trong việc dành danh xưng diễn giả cho những người không xứng đáng.

Hiệu trưởng một trường cao đẳng ở TP.HCM cho biết cách đây không lâu đã từng mời một diễn giả đến nói chuyện với sinh viên. Sở dĩ gọi với danh xưng "diễn giả" vì trên Facebook cũng như TikTok, người ấy tự nhận bản thân là diễn giả.

Người viết hỏi ngược lại: "Nhưng liệu "diễn giả" kia có phải là diễn giả thứ thiệt hay là diễn giả dỏm?", vị hiệu trưởng lắc đầu: "Không biết thực hư thế nào. Nhưng họ (tức diễn giả được mời) yêu cầu trường phải giới thiệu là diễn giả, cũng như trong thư cảm ơn phải ghi là diễn giả".

Sau đó, trên trang Facebook của vị "diễn giả" được đề cập ở trên đăng tải hình ảnh thư cảm ơn của trường cao đẳng. Trong thư khen, trường ghi "cảm ơn diễn giả A".

Đại diện một số trường học, tổ chức ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng thừa nhận, đã từng mời một số người được cho là "diễn giả" về khởi nghiệp, về tâm lý, về hướng nghiệp đến để nói chuyện với học sinh, sinh viên, thanh niên, nhân viên... Và họ chủ quan khi chẳng màng quan tâm đến việc "diễn giả" ấy có phải đúng là diễn giả thật hay là diễn giả dỏm, nhưng luôn giới thiệu đến người nghe: "Sau đây, mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ diễn giả...".

Để rồi, có nhiều buổi diễn thuyết vấp phải phản ứng của những người nghe trực tiếp, cũng như bị cộng đồng mạng chỉ trích kịch liệt sau khi những đoạn clip ghi lại nội dung mà "diễn giả" phát ngôn được đăng tải, chia sẻ trên mạng.

Một hiệu trưởng trường đại học ở TP.HCM cho biết trường đã từng gặp sự cố tương tự. Nghĩa là sau khi một "diễn giả" đến trường có những chia sẻ không thể hiểu nổi, sai kiến thức trầm trọng thì mới nhận ra một sự thật bẽ bàng. Đó là một "diễn giả" chẳng có tiếng tăm. Và sau khi tìm kiếm profile (hồ sơ) thì người hiệu trưởng nhận định: "Người đấy chẳng xứng đáng được gọi là diễn giả, chẳng đáng để nhớ tên".

Cũng từ sự cố này, vị hiệu trưởng cho rằng về sau sẽ rà soát kỹ hơn, thẩm định cẩn thận hơn về profile của các diễn giả khi có ý định mời họ đến trường nói chuyện với sinh viên. Những profile không chuẩn, không chất lượng, hay nói cách khác đó chỉ là những hồ sơ với cái mác "diễn giả" tự xưng thì lập tức loại bỏ.

Đừng dễ dãi dành danh xưng diễn giả cho người không xứng đáng - Ảnh 1.

Đừng dễ dãi dành danh xưng diễn giả cho người không xứng đáng

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Đại diện một trường THPT ở TP.HCM thú thật đã từng mời một "diễn giả" đến nói chuyện với học sinh về chủ đề hướng nghiệp. Lý do mời chỉ vì "diễn giả" kia khá có tiếng và "có vẻ là" có sức hút trên mạng xã hội.

Để rồi khi "diễn giả" diễn thuyết trên sân khấu được vài phút, nhiều học sinh đã lục tục rời ghế bỏ đi, chấp nhận bị kiểm điểm, vì cho rằng "không muốn mất thời gian với một diễn giả nói những điều vô bổ, không giúp ích gì cho bản thân".

Sau buổi đó, trước những phản ứng của học sinh, ban giám hiệu nhà trường ngồi lại và nhìn nhận những điều học sinh phản ứng là có lý. Tra cứu về profile của "diễn giả", ban giám hiệu dường như ngã ngửa khi đúng là không phải diễn giả chuyên nghiệp, dù nói đủ thứ trên trời dưới đất về tâm lý, về thị trường lao động... nhưng anh ta hoàn toàn không có đầy đủ kiến thức về những lĩnh vực này.

Theo một diễn giả chuyên nghiệp, trong tiếng Anh, diễn giả là speakers (khác với MC hay Host). Diễn giả là người diễn thuyết, hùng biện trước một nhóm người hoặc công chúng nhằm truyền đạt và cung cấp thông tin một cách có chủ đích để tạo ra chuyển biến khác trong cảm xúc và tâm lý của người nghe. Từ đó, thúc giục người khác hành động để thay đổi thực tế hoặc định hướng thái độ, hành vi của mình.

Không những thế, diễn giả buộc phải đáp ứng những tố chất, điều kiện cần và đủ khác. Có thể kể như: khả năng giao tiếp, cách ứng xử, cách ăn nói, sự nhạy bén, phong thái diễn thuyết lôi cuốn, có sự tự tin, sự sáng tạo... Quan trọng hơn cả, cần phải có kiến thức sâu rộng về nội dung muốn chuyển tải.

"Đằng này, tôi đã từng chứng kiến một "diễn giả" diễn thuyết với cả trăm sinh viên mà thi thoảng vì chưa thuộc bài nên "lén sử dụng tài liệu", tức là nhìn vài tài liệu in sẵn để tiếp tục câu chuyện. Khổ nỗi, họ thi thoảng một cách... thường xuyên. Đấy là chưa kể việc sau bài diễn thuyết, nhiều câu hỏi được đưa ra thì "diễn giả" không trả lời được hoặc... hẹn trả lời vào lần sau", diễn giả chuyên nghiệp kể lại.

Đừng dễ dãi dành danh xưng diễn giả cho người không xứng đáng - Ảnh 2.

Hiện nay tồn tại một số diễn giả dỏm, diễn giả tự xưng

THANH NIÊN

Vì sao thực trạng "diễn giả dỏm" tồn tại? Vị diễn giả chuyên nghiệp cho rằng có rất nhiều lý do. Có thể kể như nhiều người thích tự tôn vinh bản thân bằng cách vơ vào người những danh xưng không dành cho họ. Trong số những diễn giả hiện nay, có nhiều người là diễn giả dỏm, nhưng luôn khoe mẽ và tự xưng "tôi là diễn giả" qua các trang mạng xã hội. Cũng vì muốn cái mác "diễn giả", không ít diễn giả dỏm mua những bài báo với tiêu đề "diễn giả A.", "diễn giả B.", "diễn giả C."... Việc cố tình rao bản thân là "diễn giả" như vậy khiến nhiều người tin họ là diễn giả dù sự thật họ không hề xứng đáng với danh xưng diễn giả. Không xứng đáng ở cả kiến thức, đạo đức lẫn cách hành xử trong cuộc sống.

Thế tại sao những diễn giả thứ thiệt, diễn giả chuyên nghiệp không lên tiếng, "chỉ mặt đặt tên" về những diễn giả dỏm, để góp phần làm trong sạch giới diễn giả, cũng như tránh việc những diễn giả dỏm chuyển tải những kiến thức bậy bạ, sai lệch, phản khoa học đến người nghe, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của người trẻ? Vị diễn giả chuyên nghiệp cho rằng: "Rất khó để làm điều đó. Bởi lẽ khi lên tiếng, những diễn giả dỏm cho rằng bị "đá đổ chén cơm" của họ. Rồi sau đó có thể họ sẽ lên mạng để dẫn dắt người hâm mộ nhằm ném đá những ai phản bác. Chính điều đó khiến những diễn giả chuyên nghiệp e ngại, không muốn vướng vào những rắc rối, mâu thuẫn. Nên thường mọi người lặng lẽ việc ai người đấy làm".

Cũng theo vị diễn giả chuyên nghiệp này, để loại bỏ những diễn giả dỏm, chỉ có cách mọi người đừng tiếp tục dễ dãi dành danh xưng diễn giả cho những người khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.