Đừng để dân mất lòng tin

05/04/2013 03:00 GMT+7

Dù kinh phí làm đường rất cao nhưng chất lượng kém, cơ chế thiếu minh bạch sẽ khiến người dân mất lòng tin. Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên số ra ngày 4.4 đăng bài Khó chia sẻ khi phí cao, đường kém.

Nghịch lý

Chi phí làm đường cao ngất ngưởng nhưng chất lượng cực kém, hầu hết các con đường dù mới đưa vào sử dụng đều bị hỏng. Đường tốt thì lâu bị hư hỏng, chi phí bảo trì và sửa chữa sẽ thấp. Còn ở ta thì ngược lại. Làm ẩu, đường xuống cấp rồi lại kêu gọi người dân chia sẻ trách nhiệm. Xin đừng đùa với dân như thế. Trang (ptthuytrang.k6.qtdn@gmail.com)

 

Ai được lợi

Không hiểu ông Nguyễn Hồng Trường nghĩ thế nào khi phát biểu rằng “việc thu phí không làm tăng lên hay làm khó cho doanh nghiệp, thậm chí còn thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”. Rõ ràng phí càng cao, trạm thu phí càng nhiều thì người dân càng phải gánh thêm nhiều chi phí. Hiện tại đã có phí bảo trì đường bộ, bây giờ mở rộng, sửa chữa đường lại lập thêm trạm thu phí. Đó là chưa kể đường vừa làm xong đã xuống cấp dẫn đến tốn kém cho việc sửa chữa. Tiền đó cũng lấy từ dân mà ra. Lê Vy (cafedocongphat@gmail.com)

Khó chia sẻ

Tại sao chi phí làm đường cao tốc ở ta lại cao hơn các nước khác nhiều lần như thế mà chất lượng lại thua xa. Quy trình, thủ tục thực hiện như thế nào mà để đội giá lên như vậy. Giá đầu tư cao, chất lượng kém dẫn đến đường nhanh xuống cấp, hư hỏng, lúc này lại yêu cầu dân đóng thêm phí để sửa chữa, nâng cấp. Đã có quá nhiều loại phí rồi. Dân ta còn nghèo, còn nhiều cái để lo, không thể tối ngày cứ lo trả phí để bù lỗ cho những doanh nghiệp nhà nước mãi được. Trần Văn Chiến (travachien@yahoo.com.vn)

Chất lượng có vấn đề

Đúng như ông Đinh La Thăng nhận định, chất lượng công trình giao thông đang rất có vấn đề. Nên đưa vào quy định thu phí dự án BOT là nếu đường hư hỏng trong một khoảng thời gian cho phép thì sẽ phạt bằng cách ngừng thu phí. Nếu không, sau 20 năm thu phí, đến khi con đường được chuyển giao cho nhà nước thì chắc chỉ còn là con đường làng. Minh (minhnhan56@gmail.com)

Tưởng rằng sau khi triển khai thu phí bảo trì đường bộ nhà nước sẽ tháo dỡ các trạm thu phí, bây giờ lại mở thêm nhiều trạm trên QL1 với mức phí quá cao. Thu phí quá nhiều như vậy sẽ đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó, cuối cùng người dân cũng sẽ lãnh đủ. Nguyễn Văn Dũng (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Tôi không hiểu nhà nước thu phí bảo trì đường bộ để làm gì mà đến lúc sửa chữa, mở rộng đường lại lắp đặt thêm trạm thu phí với mức phí ngày càng cao. Khi mua một chiếc xe người dân đã đóng quá nhiều loại thuế và phí, giờ lại tăng cường thu phí chẳng khác nào phí chồng phí. Nếu không minh bạch thì làm sao người dân có thể tin tưởng mà chia sẻ được. Nguyễn Hải Dương (Q.12, TP.HCM)

Hải Nam
(thực hiện)

BAN CTBĐ (tổng hợp)

>> Thi công cầu đường làm nứt nhà dân
>> Khánh thành cầu đường bộ Bạch Hổ
>> Khánh thành và đưa vào sử dụng cầu đường bộ Bạch Hổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.