Đừng để dân phải ‘tự xử'

01/03/2017 06:03 GMT+7

Tình trạng dân rào đường, chặn xe vào mỏ đá ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) mấy ngày gần đây; chuyện dân dựng lều canh không cho xe vào chôn rác trái phép tại Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Hà Nội, hay chuyện dân chặn quốc lộ phản đối nhà máy gây ô nhiễm, trạm thu phí bất hợp lý trước đây, dân tự chặn bắt xe chở gỗ lậu ở Gia Lai... đều bị liệt vào hành vi vi phạm pháp luật.
Việc “tự xử” của người dân trong nhiều trường hợp đe dọa an toàn tính mạng của người dân. Trong vụ chặn QL1A tại Bình Thuận để phản đối nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm là một ví dụ, đã có người bị thương, xe cộ, tài sản bị đập phá, giao thông đình trệ.
Nhưng câu hỏi ở đây là, tại sao người dân lại chọn cách vi phạm pháp luật ấy để biểu đạt thái độ? Vì sao hiện tượng này có chiều hướng gia tăng và xảy ra ở nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực? Cách giải quyết đúng pháp luật nên phải thế nào?
Mẫu số chung của tất cả các vụ việc này đều là sự vào cuộc chưa kịp thời của chính quyền địa phương trước những phản ánh, bức xúc của người dân về những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của họ. Chẳng hạn người dân đã có tới 2 năm để “kêu ca” với chính quyền về tình trạng nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm ở Vĩnh Tân (Bình Thuận), trước khi họ xuống đường chặn xe. Chỉ đến khi người dân dựng lều, chặn xe chở rác, báo chí vào cuộc mới phanh phui chuyện một công ty chôn thuốc sâu độc hại ở Thanh Hóa, trong khi trước đó từng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, tiếng là giải quyết khiếu nại của người dân nhưng không phát hiện.
Chính quyền địa phương đã ở đâu trong những vụ việc có tụ tập đông người? Họ đã nghĩ gì khi những người dân vốn hiền lành, lương thiện bỗng trở nên hung dữ, bất chấp luật pháp để tự đi tìm công bằng, công lý?
Nếu mọi bức xúc của người dân được giải quyết một cách công bằng, công khai, bằng những đối thoại thẳng thắn, trách nhiệm của chính quyền sở tại, chắc hẳn người dân sẽ không cần phải vác gạch đá, dựng lều bạt để “tự xử”.
Trước một hiện tượng vi phạm pháp luật mang tính lan rộng như việc người dân tự phát “ra đường”, cần phải nhìn nhận lại hiệu lực, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong từng vụ việc, chấn chỉnh tình trạng thờ ơ, quan liêu (không loại trừ tham nhũng) của một bộ phận cán bộ khiến người dân bức xúc. Đừng chỉ chăm chăm vào việc người dân phản ứng thế nào?
Hãy bảo đảm rằng, mọi phản ánh của người dân được lắng nghe, mọi bức xúc được giải quyết, khi đó người dân sẽ tin vào luật pháp và hiệu lực của chính quyền thay vì ra đường “tự xử”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.