Đừng để du khách đến Việt Nam phải đi ngủ sớm

16/01/2024 04:09 GMT+7

Trong bối cảnh các nước đều rộng cửa cho kinh tế đêm, nếu chúng ta vẫn e dè, vẫn chỉ "he hé mở" thì sẽ tạo cho du khách thói quen "đến Việt Nam là đi ngủ sớm".

Đó là vấn đề mà nhiều người lo ngại khi ngày càng nhiều nước bên cạnh Việt Nam kéo dài thời gian vui chơi, giải trí cho khách du lịch. Lãnh đạo một công ty chuyên về ẩm thực cho biết trước đây hệ thống nhà hàng của công ty ông không mở vào 3 ngày tết cổ truyền vì muốn nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Bên cạnh đó, thói quen của người Việt trong dịp này là sum họp nấu nướng ở nhà, ít ra ngoài ăn uống.

Nhưng càng sau này, nhu cầu đặt tiệc ngày tết càng tăng. Chưa kể người Việt nghỉ tết nhưng khách nước ngoài ở Việt Nam thời điểm này vẫn cần có chỗ ăn uống. Vì thế hơn chục năm trở lại đây, ông quyết định mở xuyên tết. "Cũng mất 2 - 3 năm đầu bù lỗ vì tiền trả nhân viên cao, khách thì ít. Nhưng sau đó nhiều người biết nhà hàng mở vào ngày tết, rồi không ít gia đình cũng muốn giảm bớt việc bếp núc ngày tết nên khách đông dần. Nói chung cái gì cũng phải tập hết. Mình không bán dịp tết, khách cũng quen mà mình bán thì cũng tập cho khách thói quen đi ăn hàng ngày tết", vị này chia sẻ.

Kinh tế đêm cũng tương tự. Chúng ta để khách đi chơi về sớm mãi cũng sẽ tạo thành thói quen, rằng đến Việt Nam đi tham quan xong là về ngủ, có tiền cũng không biết tiêu cho cái gì, muốn giải trí cũng không biết đi đâu… Nếu xung quanh chúng ta đẩy mạnh vui chơi, giải trí thâu đêm đến sáng còn chúng ta cứ "bắt" đi ngủ sớm thì sẽ nảy sinh sự so sánh. Mà đi du lịch thì tâm lý chung của hầu hết du khách là tận dụng tối đa thời gian để vui chơi, nên để họ đi ngủ sớm thì chúng ta thiệt đầu tiên.

Có một nghịch lý là kinh tế đêm được chúng ta nói đến từ rất lâu, hàng thập niên trước. Chủ trương, quan điểm đều muốn đẩy mạnh nhưng triển khai trong thực tế lại hết sức ì ạch. Có nhiều lý do, nhưng suy cho cùng thì có thể thấy chúng ta vẫn đang chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Các chỉ tiêu về số lượng khách luôn được quan tâm nhiều hơn là chi tiêu trên mỗi du khách. Những thành tích cũng luôn gắn với con số khách quốc tế đến Việt Nam, thay vì sức khỏe thật sự của hệ sinh thái du lịch. Điều đó phần nào lý giải vì sao lượng du khách nước ngoài tăng mạnh nhưng doanh nghiệp lữ hành vẫn khó khăn, những phố tây vẫn heo hút, ngành dịch vụ vẫn ế ẩm.

Mỗi chúng ta khi ra nước ngoài du lịch đều có nhu cầu vui chơi, giải trí về đêm. Ai cũng cố gắng tận dụng tối đa thời gian để thăm thú, mua sắm, ăn uống, tìm hiểu thói quen, văn hóa, ẩm thực của người dân bản địa thì khách nước ngoài tới Việt Nam cũng vậy. Cầu có, tại sao cung lại chưa đáp ứng? Vướng cái gì, chỗ nào, tại sao... các địa phương luôn khẳng định phát triển kinh tế đêm cần phải rà soát làm rõ những vấn đề này và có giải pháp để thúc đẩy thực sự thay vì chỉ hô khẩu hiệu.

Chúng ta nỗ lực mở cửa, nỗ lực thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, tung sản phẩm mới... nhưng nếu chỉ tăng về lượng mà không tăng được giá trị, tăng chi tiêu trên mỗi đầu khách thì rất uổng phí. Vì vậy, đừng tạo cho khách thói quen đi ngủ sớm khi tới Việt Nam nữa. Hãy kéo họ vui chơi, giải trí, tiêu tiền bằng một nền kinh tế đêm hiệu quả, ấn tượng, để giữ chân họ lâu hơn và quay trở lại Việt Nam nhiều lần nữa.

Kinh tế đêm chính là phần tạo giá trị gia tăng cho ngành du lịch mà chúng ta đang bỏ phí vì sự chậm trễ rất khó hiểu này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.