Đừng để giáo viên phải lo toan cuộc sống

19/11/2011 23:44 GMT+7

Sinh viên ngành sư phạm khi ra trường hiện khó tìm được việc làm, đồng thời rất nhiều giáo viên bỏ việc vì không thể sống bằng lương.

Sinh viên ngành sư phạm khi ra trường hiện khó tìm được việc làm, đồng thời rất nhiều giáo viên bỏ việc vì không thể sống bằng lương.

 

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) chúc mừng cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Công Phong, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

Gần đây, dư luận phản ánh tình trạng giáo viên bỏ việc rất nhiều do lương không đủ sống. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này? 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, giá cả thị trường tăng cao, một bộ phận lớn nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo giảng dạy ở bậc học mầm non, dạy theo chế độ hợp đồng, mới vào nghề có hệ số lương thấp gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết nhà giáo trong ngành chia sẻ khó khăn, bám trường, bám lớp. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, với nhiều lý do khác nhau, trong đó có thu nhập thấp, một số giáo viên đã bỏ việc hoặc chuyển sang làm việc khác.

Như vậy chính sách đãi ngộ với nhà giáo như hiện nay đã hợp lý chưa? Công đoàn ngành có kiến nghị gì?

Mặc dù đã xây dựng và ban hành các chế độ cơ bản về lương, phụ cấp ưu đãi, các loại phụ cấp đặc thù, bảo hiểm y tế, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo... nhưng trong số đó có những chính sách không còn phù hợp. Chẳng hạn, thang, bậc lương của nhà giáo chưa phải cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính, sự nghiệp; giá trị tuyệt đối của nhiều phụ cấp thực tế là không đáng kể so với sự tăng cao của giá cả.

Chúng tôi cho rằng cần xây dựng và ban hành thang, bậc lương mới, phù hợp với thực tế để làm sao cho công chức, viên chức nói chung, nhà giáo nói riêng có thể sống bằng lương ở mức trung bình trong xã hội. Các cơ chế, chính sách cần thể hiện rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà giáo có thu nhập đủ sống, không phải vất vả, lo toan, có thể yên tâm với nghề dạy học.

5-10 năm nữa sẽ không có giáo viên giỏi!

Bà Nguyễn Thị Tĩnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, cho rằng: “Trong thời gian qua có nhiều trường đào tạo giáo viên mà không tính đến nhu cầu thực tiễn nên sinh viên ra trường không có việc làm. Thực trạng hiện nay sẽ làm cho sinh viên đang học ngành sư phạm thiếu động cơ học tập và chất lượng đầu vào ngành sư phạm sẽ giảm dần. Tôi e rằng trong vòng 5 đến 10 năm nữa các trường phổ thông sẽ không có giáo viên dạy giỏi”.

Vũ Thơ

Hiện nhà nước có chính sách ưu đãi với sinh viên sư phạm nhưng khi ra trường họ lại rất khó xin việc, nhiều người phải đi làm trái nghề. Như vậy có lãng phí không và nguyên nhân do đâu?

Nhiều trường chỉ tuyển giáo viên trẻ khi có giáo viên về hưu, cùng lúc có nhiều sinh viên ra trường trong khi nhu cầu lại ít nên sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, một số trường vùng sâu, vùng xa, vùng ven của thành phố có nhu cầu nhưng không ít sinh viên có hộ khẩu ở nội thành hoặc vùng đồng bằng ngại đi xa nên sẵn sàng bỏ nghề.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân: chưa tiến hành quy hoạch nguồn nhân lực, kể cả cho ngành giáo dục; công tác thống kê, dự báo của cả nước và nhiều địa phương chưa chính xác, chưa sát thực tiễn, chưa có tính chất lâu dài; vấn đề đào tạo, tuyển dụng, quản lý và sử dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục còn nhiều bất cập.

Vậy theo ông cần khắc phục điều đó như thế nào?

Cần có các giải pháp đồng bộ. Bên cạnh đó, cần chăm lo đời sống cho giáo viên. Năm học 2010-2011, trên cả nước có 1.122.421 giáo viên, để nâng cao đời sống đội ngũ giáo viên cần có những quyết sách lớn tầm vĩ mô. Ngành giáo dục cần khảo sát đánh giá đúng thực trạng đời sống đội ngũ giáo viên ở các cấp, bậc học, các vùng miền để tham mưu đưa ra những quyết sách đúng và trúng.  

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.