Đừng để hạ tầng công nghệ lỗi thời

31/07/2024 04:12 GMT+7

Các nhà mạng điện thoại di động đang kêu gọi người dùng còn sử dụng máy chỉ có chuẩn 2G thì chuyển sang các dòng điện thoại di động 4G/5G, bởi dự kiến từ ngày 1.9 tới đây sẽ tắt sóng 2G.

Việc tắt sóng 2G là xu thế chung của thế giới, nhưng khi đọc nội dung kêu gọi của nhà mạng, nhiều người dùng đang tự hỏi khi nào thì có thể sử dụng được công nghệ di động 5G trên diện rộng.

Còn nhớ năm 2019, khi công nghệ 5G dần được thử nghiệm trên nhiều nước, Việt Nam cũng là quốc gia tiên phong bắt đầu thử nghiệm, thậm chí gần như cùng lúc với cường quốc công nghệ như Mỹ. Thế nhưng, hơn 2 năm trước, khi Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm 5G thì khi đến Mỹ, chiếc smartphone trên tay người viết đã có thể kết nối 5G thông suốt. Thực tế, trong 2 năm 2020 và 2021, dù trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều hạn chế, nhưng không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác vẫn xúc tiến phát triển nhanh chóng hạ tầng viễn thông di động chứ không hề chững bước.

Chẳng phải chỉ 5G, kết nối WiFi hoạt động tại Việt Nam hiện vẫn chỉ ở chuẩn WiFi 6 chứ chưa lên được WiFi 6E. Trong khi đó, nhiều nước đã phổ biến đến chuẩn WiFi 7. So sánh để thấy nếu WiFi 6 chỉ cho tốc độ tối đa là 9,6 Gb/giây thì tốc độ tối đa ở WiFi 7 cao hơn 3 lần, đạt 30 Gb/giây.

Có thể nhiều người chỉ nghĩ rằng mạng 5G hay WiFi 6E rồi WiFi 7 chỉ đơn thuần để truy cập internet nhanh hơn. Nhưng thực tế, trong kỷ nguyên công nghệ ngày nay, việc hạ tầng truyền dẫn dữ liệu di động có ý nghĩa quan trọng đối với việc vận hành của các doanh nghiệp, hệ thống sản xuất hiện đại. Từ năm 2019, mô hình nhà máy tự động với phần lớn kết nối không dây đã được bắt đầu thử nghiệm với 5G và WiFi 6 rồi WiFi 6E để nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm thiểu chi phí đầu tư và vận hành. Đến nay, mô hình này không hề xa lạ ở nhiều nước. Thế nhưng, nếu nhìn lại hạ tầng viễn thông di động Việt Nam hiện nay, rõ ràng việc áp dụng mô hình như vậy vẫn còn ở thì tương lai.

Những năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng để thúc đẩy kinh tế, nổi bật là hạ tầng giao thông vận tải. Tuy nhiên, trong tổng thể hạ tầng một quốc gia, thì công nghệ có vai trò quan trọng không kém các yếu tố khác, để có thể thu hút đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu hay thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế.

Nhìn ra thế giới, năm nay, khi các thiết bị WiFi 7 có mặt trên thị trường thì chuẩn kết nối này cũng nhanh chóng được cho phép tại nhiều nước. Việc hoạch định kế hoạch phát triển không hề khó khi các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng thường xuyên công khai các kế hoạch triển khai các tiêu chuẩn công nghệ. Điển hình, chuẩn WiFi 8 dự kiến được triển khai từ năm 2028.

Chính vì thế, để có thể cạnh tranh trong thời kỳ kinh tế số bùng nổ như hiện nay, Việt Nam cần kịp thời thúc đẩy hạ tầng công nghệ, mà trước hết chính là lên kế hoạch dài hạn. Nếu không, chúng ta sẽ vẫn còn phải đứng sau nhiều nước khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.