Để kéo khách đến bảo tàng, rất nhiều nguyên nhân được mổ xẻ, nhiều giải pháp được đề xuất tại Hội thảo marketing bảo tàng và di tích, diễn ra hôm qua (23.8) tại TP.HCM, do Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trường đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức.
Lạc hậu
Theo định nghĩa về bảo tàng của Hội đồng bảo tàng thế giới (ICOM) thì: “Bảo tàng là một thiết chế văn hóa đặc biệt trong hệ thống thiết chế văn hóa của mỗi dân tộc. Nơi đây hội tụ tinh hoa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của một quốc gia, một ngành, một địa phương, một lĩnh vực...”. Thực tế, phần đông khi du khách đến các quốc gia trên thế giới, điểm tham quan đầu tiên là bảo tàng. Những bảo tàng nổi tiếng trên thế giới có số lượng từ vài trăm ngàn đến cả vài triệu hiện vật, trở thành thương hiệu quốc gia như Louvre, Pháp (đón 8,5 triệu lượt khách/năm), Metropolitan, Mỹ (4 triệu lượt khách/năm), Bảo tàng Vương quốc Anh (6 triệu lượt khách/năm)... Những nơi này tập trung tinh hoa, văn hóa của một dân tộc qua hệ thống hiện vật, tài liệu khoa học trưng bày, phản ánh xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử. Trong khi đó, đa số các bảo tàng hiện nay đều nghèo nàn về hiện vật. Trung bình một bảo tàng trong nước chỉ có 10.000 - 50.000 hiện vật, một con số quá khiêm tốn so với thế giới.
Thực tế, các hiện vật quý, đặc biệt là cổ vật có giá trị bị chảy máu ra nước ngoài không chỉ trong quá khứ, hiện tại và cả ở tương lai, nếu không có cơ chế và chính sách linh hoạt trong công tác sưu tầm hiện vật. Bởi hiện nay, thông tư quy định về sưu tầm hiện vật cho bảo tàng công lập do Bộ VH-TT-DL ban hành năm 2013 đang thực sự “làm khó” các bảo tàng với nhiều thủ tục rườm rà. Như mua hiện vật bằng nguồn ngân sách nhà nước phải qua 2 cấp hội đồng xét duyệt (mà chủ tịch hội đồng là chủ tịch tỉnh, TP đối với bảo tàng địa phương hoặc Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đối với bảo tàng cấp T.Ư). Trong khi đó, thị trường mua bán cổ vật “ngầm” rất linh hoạt, cách thức giao dịch nhanh chóng.
“Hệ thống trưng bày, chú thích cũng đơn điệu. Đa số các bảo tàng vẫn duy trì hình thức trưng bày lạc hậu, trong khi bảo tàng các nước đã có các hình thức tiếp cận khách tham quan độc đáo bằng hình ảnh 3D, âm thanh nổi, thậm chí có cả mùi vị, trải nghiệm, tiếp cận hiện vật bằng iPad, điện thoại di động…”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt tour, nói.
Với thực tế như trên, PGS-TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, nhìn nhận: “Chúng tôi thực sự nhận thấy việc quảng bá và làm sao thu hút được du khách đến với bảo tàng ở VN đang là một vấn đề bế tắc”.
|
Phải chủ động tìm đến khách
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch đến với bảo tàng, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM), cho biết bảo tàng từ một nhà trưng bày trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước nhiều nhất (219.275 lượt khách trong nước và 718.320 lượt khách quốc tế trong năm 2015 - PV) là nhờ nỗ lực các hoạt động quảng bá, marketing. “Chúng tôi luôn xác định khách tham quan của bảo tàng là ai, gửi thư ngỏ đến các cơ quan, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất... để thu hút họ đến với bảo tàng bằng các hoạt động mang tính về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử... Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện các loại hình hoạt động đa dạng: du lịch tham quan sám hối (du khách của các nước từng gây ra tội ác chiến tranh), du lịch khát vọng vì hòa bình, du lịch vì trẻ em tật nguyền bởi chất độc hóa học... Chúng tôi cũng đồng hành cùng ngành du lịch, nghe họ đóng góp ý kiến. Xác định tự chủ kinh phí, không bao cấp từ ngân sách”, bà Vân nói.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đưa ý kiến: “Du lịch và bảo tàng không có nhiều kết nối mang tính bền vững, ngay sự kết nối giữa các bảo tàng và di tích trong nước để tạo dạng chuỗi địa điểm kết nối du lịch như trường hợp “Con đường di sản miền Trung” cũng không có nhiều”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tại hội thảo “phản bác”, cho rằng không ít công ty du lịch lữ hành cũng kết hợp tour du lịch tham quan bảo tàng như Saigontourist, Du lịch Tân Hồng... nhưng tỷ lệ khách đến bảo tàng chưa cao. Ý kiến du khách nước ngoài sau khi đi tour phản ánh bảo tàng kém hấp dẫn về nội dung và hình thức trưng bày, dịch vụ kèm theo chưa đáp ứng nhu cầu nên họ không muốn quay lại. Do đó, các đơn vị tổ chức tour phải thay đổi điểm đến và hạn chế đưa khách vào bảo tàng.
Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh khi trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua cũng nhìn nhận thực tế các công ty lữ hành khi xây dựng tour đều ưu tiên lấy bảo tàng là điểm đến đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó họ phản ánh những hạn chế chung của bảo tàng trong nước hiện nay gồm: cách trưng bày cũ kỹ, lạc hậu; giờ mở cửa đa phần chưa phù hợp, chưa thực sự lấy du khách làm đối tượng phục vụ và vẫn mang tính hành chính (sáng từ 7 giờ 30 - 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 30 - 16 giờ 30, thứ hai đóng cửa), không linh hoạt; nghèo nàn về các loại hình ấn phẩm, sản phẩm; các dịch vụ giải khát, ăn nhẹ... phục vụ khách tham quan chưa đáp ứng được nhu cầu.
PGS-TS Đặng Văn Thắng, ĐH KHXH-NV TP.HCM, hiến kế: “Để thu hút khách tham quan đến với bảo tàng, bên cạnh các hoạt động quảng bá, bảo tàng cần đổi mới cách chú thích hiện vật theo hướng cung cấp thêm nhiều thông tin để du khách tìm hiểu, khám phá; cần có các phòng, khu trải nghiệm, phòng trưng bày phục vụ cho người khiếm thị và tật nguyền, các khu dịch vụ ẩm thực hoạt động mang tính đặc trưng văn hóa của dân tộc và cao cấp hơn nữa là phải có cả khu giữ trẻ vui chơi để cho cha mẹ tự do tham quan”.
Cần “cởi trói” cho bảo tàng tư nhân
Trong khi hệ thống bảo tàng công lập còn nghèo nàn về hiện vật và lạc hậu về trưng bày, đã xuất hiện những bảo tàng tư nhân hoạt động tốt, thu hút khách đến như Bảo tàng Vũ khí cổ của ông Robert Taylor (Anh) ở Vũng Tàu, Bảo tàng Áo dài của NTK Sĩ Hoàng, Bảo tàng Thuốc cổ truyền FITO (TP.HCM), Không gian nhà VN - Vinahouse Space (Quảng Nam)... Tuy nhiên, số này chưa nhiều, mà nguyên nhân là thủ tục và quy trình cấp phép thành lập quá rườm rà. Theo quy định của Bộ VH-TT-DL, hiện nay bảo tàng tư nhân muốn được thành lập phải kèm theo nhiều tiêu chí khó khăn đối với các nhà sưu tập như: quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, hệ thống và đề cương trưng bày... Một cán bộ làm trong ngành bảo tàng tại TP.HCM cho biết: “Để tạo điều kiện cho bảo tàng tư nhân ra đời, phát huy giá trị các bộ sưu tập quý, hiếm, cần có sự cải tiến các quy định mang tính ngặt nghèo như hiện nay”.
|
Bình luận (0)