Mong chiêm ngưỡng niềm tự hào
PGS-TS Bùi Minh Trí đã gắn bó với Hoàng thành Thăng Long quá lâu. Ông là chủ nhiệm dự án khai quật Hoàng thành Thăng Long từ hồi năm 2002. Sau đó, ông trở thành một thành viên của nhóm thực hiện hồ sơ di sản văn hóa thế giới UNESCO cho hoàng thành. Ông cũng chính là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, đơn vị thực hiện trưng bày những hiện vật khảo cổ học ở hai tầng hầm Nhà Quốc hội. Ông chia sẻ cảm xúc về trưng bày này: “Tôi thấy niềm tự hào dân tộc”. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, thì cho rằng đây là một trưng bày đạt tiêu chuẩn quốc tế về cả khoa học và sự tinh tế mà ít bảo tàng trong nước thực hiện được. Chính vì thế, ông Huy kỳ vọng việc trưng bày sẽ trở thành “điểm nhấn quan trọng trong việc tiếp đón và quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc VN đến các đoàn nguyên thủ quốc gia, quần chúng nhân dân và du khách quốc tế trong thời gian tới”.
Trên mạng, nhiều người trẻ yêu văn hóa truyền thống trong các nhóm như Đại Việt cổ phong, Đình làng Việt cũng quan tâm và háo hức với trưng bày này. Ngay lập tức, họ đã tìm đến khi biết tin triển lãm khai mạc. Tuy nhiên, những người được vào dự khai mạc hôm đó phải là khách mời, có giấy mời. Những vị khách này cũng phải qua một cửa kiểm soát an ninh trước khi vào tới khu trưng bày. “Hy vọng sớm có thông tin chính thức cho người dân được chiêm ngưỡng”, một thành viên của nhóm Đại Việt cổ phong chia sẻ. Tạm thời, khi chưa được vào, những người yêu vốn cổ chia sẻ với nhau các thông tin trên báo chí, những hình ảnh về trưng bày...
|
Hiện tại, sau khai mạc, Trung tâm nghiên cứu kinh thành đang chuẩn bị để bàn giao lại cho Văn phòng Quốc hội. Việc bàn giao này theo tiến độ sẽ hoàn thành trong khoảng 2 tháng nữa. Kèm theo bàn giao hiện vật cùng diện tích trưng bày 3.700 m2 này, trung tâm cũng sẽ giúp văn phòng đào tạo người hướng dẫn, hỗ trợ việc kiểm tra bảo quản hiện vật, trưng bày về kỹ thuật định kỳ. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết, hiện chưa có phương án cụ thể về việc người dân được vào xem rộng rãi.
Một thông tin thú vị là trưng bày này khi thiết kế đã hướng tới việc phục vụ nhân dân. Vì thế, các hạng mục đều chú ý để nhiều đối tượng công chúng có thể tiếp cận. Có các game để trẻ em tương tác. Có cả đường dành cho xe lăn. Hiện tại, ở Hà Nội chỉ có hai địa điểm bảo tàng có đường tiếp cận cho người khuyết tật là tòa nhà Cánh diều, Bảo tàng Dân tộc học và trưng bày này.
TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản, cho rằng trưng bày này để phục vụ công chúng, nên việc mở cửa cho công chúng vào xem là cần thiết và nên sớm có quy định về điều này. “Tòa Thị chính ở Mỹ vẫn mở cửa cho công chúng vào xem. Tòa nhà Quốc hội Mỹ cũng vẫn mở. Tòa nhà Quốc hội Đức cũng vậy. Nghị viện họp cứ họp, dân chúng đi tham quan cứ tham quan. Vấn đề là phải nghĩ ra cách để công chúng tiếp cận thích hợp”, bà Lý nói.
Ngoài các điều kiện an ninh, điều cần chú ý, theo bà Lý là tổ chức sao cho khách tới thăm vì yêu mến văn hóa chứ không phải theo trào lưu. Điều này giúp thu gọn đối tượng khách vì lượng khách ra vào quá lớn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tham quan, cũng như ảnh hưởng tới hiện vật thật lộ thiên. Về việc tạm thời có nên có tổ chức trưng bày ảo trên mạng không, bà Lý cho rằng: “Nó vừa tốn kém vừa làm mờ nhạt cái thật”.
PGS-TS Vũ Quốc Hiền, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói: “Trước mắt về an ninh chưa thể thăm tự do được thì cũng nên tổ chức theo đoàn. Việc tổ chức cần tính toán cho phù hợp với an ninh và nên giới hạn người xem”.
tin liên quan
Cung điện thời Lý dưới hầm nhà Quốc hộiCung điện thời Lý đã được tái hiện trong trưng bày "Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội", khai mạc chiều nay, 19.5, tại tầng hầm Nhà Quốc hội.
Bình luận (0)