Chị Hiền và con trai đã khóc khi chia sẻ câu chuyện thương tâm của chính mình - Ảnh: Đ.Toàn
Ông Hoàng Hà GĐ bán hàng và Marketing công ty Yamaha motor Việt Nam trao số tiền 10 triệu đồng của chương trình cho chị Kim Hoàng - Ảnh: T.Q.N |
Dai dẳng nỗi đau
|
Kể về câu chuyện buồn của gia đình, chị Kim Hoàng (H. Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã không cầm được nước mắt trước nỗi đau không thể nguôi ngoai. Cách đây hơn hai năm, chồng chị, anh Nguyễn Văn Vỹ, người trước đó không hề biết đến rựu nhưng chỉ một lần vì hơi quá chén sau một cuộc nhậu đã tự gây ra tai nạn khi điều khiển xe và ra đi vĩnh viễn để lại vợ và 5 đứa con sống trong chuỗi ngày khốn khó, ngặt nghèo. “Mất anh tôi đã gần như kiệt sức. Gánh nặng chữa bệnh cho anh hơn 1 năm đến cả trăm triệu, kinh tế gia đình càng kiệt quệ… Tôi đau ốm liên miên, lại mang căn bệnh viêm gan B giai đoạn cuối nên cũng chẳng làm lụng được gì nhiều, đành đứt ruột gửi bớt 2 đứa con vào làng SOS để có thể gồng gánh cho những đứa còn lại. Gia đình không có chồng, không có cha đưa lưng gánh hộ, mấy mẹ con thấy bất lực, chỉ biết ôm di ảnh của chồng, của cha mà khóc”, chị Hoàng nói trong nước mắt.
Vẫn biết, trăm cái “giá như…” cũng không thể chữa cho một sai lầm, nhưng anh Duy Thành (H.Bố Trạch, Quảng Bình) nhân vật trong bài viết Lỡ duyên vì vội đăng tải trên Thanh Niên số ra ngày 4.11.2013 vẫn nói “Giá như ngày ấy tôi đừng quá vội vàng”. Cũng vì vội đi đưa thiệp cưới nên anh Thành đã đi trên cầu đường sắt song song với cầu sông Ngang, khi chiếc cầu qua sông đang bị nước lũ chia cắt. “Lúc đó, tôi cũng chần chừ bởi biết đi trên cầu đường sắt là rất nguy hiểm, nhưng ngày cưới đã cận kề, nếu chờ thêm nữa sẽ lỡ việc nên tôi và vợ chưa cưới quyết định đi xe máy qua cầu đường sắt để về thị trấn. Khi vừa đến giữa cầu thì kinh hoàng thấy đoàn tàu đang lao tới… Chuyện gì đến đã phải đến. Sau 16 tháng điều trị với 14 cuộc phẫu thuật, gia đình tôi rơi vào tình cảnh khốn khó khi tiêu tốn hơn 500 triệu đồng cho việc chữa trị. Trong thời gian điều trị, tôi đã phải trải qua sự đau đớn cùng cực về thể xác khi cứ vài ba ngày lại phải lên bàn mổ, và sự tuyệt vọng về tinh thần khi nghĩ về tương lai...”, anh Thành tâm sự. Cách đây 6 tháng, bác sĩ đã quyết định cưa chân của anh để bảo đảm tính mạng bởi phần chân bị hoại tử cũng không thể phục hồi.
Cùng vượt qua bi kịch
|
Những bước chân khập khễnh, khó nhọc khi leo lên từng bậc cầu thang của chị Thu Hiền. Đôi bàn tay nhỏ xíu dìu mẹ đi từng bước của cậu bé mới 5 tuổi. Đây cũng là hai mẹ con, nhân vật chính trong câu chuyện Mẹ ơi, vì sao? được đăng tải trên Thanh Niên số ra ngày 6.12.2013.
Mang giấc mơ kinh hoàng và nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông suốt 13 năm qua, chị Thu Hiền (Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) phải cố gắng từng ngày, đối mặt với nghịch cảnh từng giờ để đứng dậy và bước qua nỗi đau. Năm chị Hiền 21 tuổi, khi bánh của chiếc xe tải nghiến lên chân phải, rồi bác sỹ bảo phải cưa chân đến sát xương cụt để giữ lại mạng sống... thì TNGT gần như đã phủ bóng đen lên cuộc đời chị và gia đình. Để rồi 13 năm sau, nhìn chị, người ta biết chị thực sự là người phụ nữ đầy nghị lực khi vượt qua định mệnh và chủ động tìm hạnh phúc cho mình.
Không chỉ động viên bản thân, gia đình, chị còn là tuyên truyền viên tích cực cho những chương trình truyền thông về ATGT tại địa phương, có mặt ở các gameshow truyền hình, tham gia vào đoàn thanh niên khuyết tật thi đấu thể thao toàn quốc, giành HCV trong Paragame 2 tổ chức tại Việt Nam... Nỗ lực của chị đã phần nào xoa dịu nỗi đau mà tai nạn giao thông mang lại. “Cái giá của tai nạn và thương tật mà tôi phải gánh chịu suốt đời đã phần nào nhẹ bớt khi thấy ý thức giao thông rõ rệt ở con trai tôi. Mới 5 tuổi nhưng khi tham gia giao thông cùng tôi, cháu luôn nhắc nhở: Mẹ phải đi xe bằng hai tay, không được đi một tay. Phải đội mũ bảo hiểm tốt cho con khi đi đường... Tôi cảm nhận được rằng, vì ý thức được nỗi đau của mẹ mà cháu và thế hệ các cháu sẽ khác, sẽ biết tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Và câu chuyện cuộc đời tôi đã thực sự lan tỏa”, chị Hiền cười buồn.
Và chính những nạn nhân trực tiếp, gián tiếp của TNGT được đăng tải trong suốt thời gian qua đã được Ban tổ chức gồm báo Văn phòng đại diện báo Thanh Niên tại miền Trung, Ban ATGT TP. Đà Nẵng, Phòng CSGT Công an Đà Nẵng chọn và trao tiền hỗ trợ với mức hỗ trợ từ 5 đến 15 triệu đồng/trường hợp. Hoạt động này không chỉ ý nghĩa đối với những nhân chứng sống cho nỗi đau dai dẳng của TNGT, mà còn giúp các nạn nhân và gia đình vượt qua nỗi đau, chống chọi với cuộc sống mà họ đang phải gánh chịu vì TNGT.
An Dy
Bình luận (0)