Còn đâu giá trị trong những lời chúc suông "có cánh"?
Mỗi năm cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, người ta lại mở ra những khởi đầu mới bằng việc trao nhau những lời chúc tốt đẹp như một “món” không thể thiếu trên bàn tiệc xuân. Từ lâu, những lời chúc tết đã là một nét văn hóa truyền thống, là sợi dây gắn kết và thắt chặt tình cảm gia đình, bạn bè. Phong tục đẹp đẽ ấy còn thể hiện ước mơ, hi vọng về một năm mới thuận buồm xuôi gió, khát khao mang đến những điều tốt lành cho người mình yêu thương.
Tuy nhiên, theo thời gian, chúc tết bỗng dần mai một đi nét đẹp nguyên bản. Nếu nhìn lại, nhiều người không khỏi giật mình khi nhận ra cứ mỗi Tết về là lại nhận được toàn những lời chúc “có cánh”, ngôn từ hoa mỹ mà bớt đi sự chân thành.
|
Những “bộ lời chúc” được soạn sẵn, những câu thơ vui tai nhưng có phần sáo rỗng, hoàn toàn xa vời sự thật như “Năm mới chúc anh chị vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, làm việc như thơ, đời vui như nhạc, coi tiền như rác, coi bạc như rơm”... vẫn được các bạn trẻ sao chép và gửi cho nhau qua tin nhắn.
Cũng dịp này, nhiều bậc phụ huynh giao cho con em mình “bài tập” học thuộc lòng những lời chúc tết hay, chuẩn bị cho chuyến “du xuân” qua nhà nhà, gặp người người rồi đọc thơ làu làu không chút cảm xúc. Trớ trêu thay, đôi lúc trẻ trót quên đổi danh xưng hay đang đọc giữa chừng đột nhiên im bặt vì không nhớ bài... tạo ra cảnh tượng sượng sùng, dở cười dở khóc.
Thật ra ai mà chẳng muốn nói với nhau những lời hay ý đẹp cho một năm mới sang trang, ai mà chẳng mong nghe những lời chúc bùi tai về một tương lai sáng sủa. Bởi vậy những lời chúc “có cánh” dịp tết mới ngày càng nhiều thêm nhưng đó cũng là lúc chúng vỗ cánh bay đi chứ có mấy khi thành hiện thực. “Tiền vô như nước”, “phát tài phát lộc” có thực sự là điều ai cũng cần giữa bối cảnh mọi người đang lận đận vì dịch bệnh? “Sức khỏe dồi dào” liệu có phải là điều trong tầm tay nếu con cái chỉ chúc suông mà không thật lòng quan tâm đến bố mẹ?
Đâu phải chỉ là những lời chúc “nói cho vui”!
Những lời chúc “có cánh” nghe thật “kêu” nhưng lại phản ánh một thực trạng đáng buồn trong ngày Tết Việt, khi mà nhiều người chỉ xem chúc tết là việc “đánh nhanh rút gọn” cho xong chứ chẳng cần toàn tâm toàn ý. Điều này về lâu dài còn tác động tiêu cực tới tư duy của lớp trẻ, để lại một thói quen hời hợt cho thế hệ sau. Không ít trẻ cho rằng “Tết ngày nay chán quá!” bởi đến kỳ nghỉ vẫn phải “học bài - trả bài” theo “văn mẫu”. Xét trên góc độ giáo dục, vô hình trung người lớn đang biến trẻ thành những cỗ máy, thiếu sự chia sẻ và vun đắp tình cảm trong trái tim.
Có lẽ do guồng quay cuộc sống, do những bộn bề lo toan mà nhiều người xem nhẹ chiều sâu của phong tục đẹp đẽ này, khiến chúc tết rốt cuộc chỉ còn là một thủ tục cần phải có mà mất đi lớp ý nghĩa và sự thiêng liêng? Cái chất tết, cái sự ấm áp, ý nghĩa của đoàn viên, sum vầy ngày đầu năm mà ông cha ta bao đời gìn giữ sẽ nhanh chóng nhạt phai đi nếu những lời chúc suông “có cánh” tiếp tục bị lạm dụng và đi chệch hướng như thế.
Có ai trong chúng ta, giữa dòng chảy vội vã của kỷ nguyên 4.0, dành những phút tĩnh lặng để suy ngẫm: phải chăng đã đến lúc cần đổi thay cách trao lời chúc, cất đi đôi cánh hào nhoáng của những lời chúc hoa mỹ “dễ bay đi", để những điều ước năm mới hóa thành nhiệm màu, để những phong tục lâu đời sẽ không bị mai một? Và bạn hẳn cũng đồng tình rằng, những lời chúc tết nên xuất phát từ chính tấm lòng và chẳng có gì ý nghĩa hơn khi hiện thực hóa chúng chính bằng nỗ lực, hành động của chúng ta?
Bình luận (0)