Tình trạng hành lý bị mất đồ, va li bị bung khóa trở thành vấn đề nổi cộm khi Cục Hàng không tổ chức đợt kiểm tra công tác an ninh tại một số sân bay lớn vừa qua. Trong đợt kiểm tra, đại tá Đào Văn Chương (cán bộ biệt phái của Bộ Công an), Cục phó Cục Hàng không VN, thừa nhận thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc hành khách báo hành lý bị mất cắp, va li bị mở khóa.
Đại tá Chương cũng đặt vấn đề: “Kế hoạch triển khai chống mất cắp hành lý của Cục có trên trời không, khi mà thực hiện rồi vẫn xảy ra mất cắp. Báo cáo con người tốt, phẩm chất tốt nhưng sao hành lý vẫn mất?”. Vấn đề mà ông Chương đặt ra là hoàn toàn chính xác. Trong khi, các công ty dịch vụ mặt đất vẫn khẳng định “chưa phát hiện trường hợp nào nhân viên lấy cắp hành lý hàng hóa của khách”, thì từ năm 2013, Cục Hàng không VN ghi nhận các vụ liên quan đến mất cắp, hành khách lấy trộm của hành khách trên máy bay, nhân viên hàng không trộm cắp của hành khách hàng hóa điện tử có giá trị cao.
Bởi thế, không ít người dân, bà con Việt kiều hay du khách luôn lo lắng tình trạng bị mất đồ khi hành lý gửi chứa các hàng hóa có giá trị. Thậm chí, nhiều người còn phải “truyền miệng” nhau đủ cách đối phó. Ví dụ nên tháo bao và tem niêm phong của hộp đựng nước hoa, quần áo thì cũng tháo khỏi bao rồi cắt tem… để nhân viên hàng không có lấy cũng khó bán. Nhiều người, mỗi khi lên máy bay về VN, còn cẩn trọng nhờ dịch vụ tại sân bay ép bao ni lông quanh va li rồi ký tên để niêm phong trước khi gửi. Vừa mất công, vừa tốn tiền. Rồi cứ thế, tình trạng mất cắp có khi càng bị “thổi” trầm trọng hơn, nên có lẽ không tránh khỏi chuyện đến tai du khách nước ngoài, làm xấu hình ảnh đất nước VN.
Thực sự, tình trạng hành lý của khách đi máy bay chẳng phải chỉ có ở VN mà cũng tồn tại ở nhiều nước. Tuy nhiên, nhà chức trách và các đơn vị liên quan ở nhiều nước luôn công bố rộng rãi, xử lý rất mạnh tay đối với những nhân viên có hành vi trộm cắp. Năm ngoái, cảnh sát của thành phố Los Angeles (California, Mỹ) bắt giữ đến 6 nghi phạm rồi xử lý hình sự vì trộm cắp hàng hóa của hành khách, chứ không phải chỉ “xử lý nội bộ” hay đuổi việc. Bên cạnh đó, họ còn thể hiện quyết tâm bằng cách áp dụng nhiều biện pháp hạn chế, như hồi tháng 4, cảnh sát Miami (Florida, Mỹ) đã lắp đặt hệ thống camera bí mật kèm theo hành lý, cùng với nhiều biện pháp khác, để giám sát chặt chẽ.
Đó là những nỗ lực mà cơ quan chức năng VN nên tham khảo, chứ đừng xử lý không đủ mạnh, rồi nhân viên hàng không sẵn sàng bỏ việc để “làm một vố” bởi lương cũng chẳng đáng là bao. Song song đó cũng cần tăng cường áp dụng các công nghệ hiện đại để phòng ngừa và làm bằng chứng xử lý.
Có như thế, người dân và du khách mới an tâm, nếu không thì tình trạng hành lý bị lấy cắp sẽ trở thành tiếng xấu đồn xa, dẫn đến du lịch cũng bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)