Trẻ ngồi nhầm lớp chính là những học sinh yếu, chưa hoàn thành chương trình do nhà trường quy định nhưng vẫn được lên lớp.
Từ nhiều năm trước, người viết bài này đã từng phản ánh câu chuyện một học sinh lớp 6 (ở một huyện tại Bình Thuận), dù học lớp 6 nhưng không đọc được và chỉ biết viết tên mình. Sau đó, báo chí nêu lên khá nhiều địa phương khác trên cả nước cũng có các trường hợp tương tự, chứ không riêng ở huyện nọ.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận vừa qua, trả lời chất vấn về hiện tượng đáng buồn này, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận Nguyễn Thị Toàn Thắng thừa nhận ngồi nhầm lớp là có. Tuy nhiên, theo bà Thắng, hiện tượng này chỉ là cá biệt và rơi vào các trường học vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn của tỉnh.
Về nguyên nhân, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, những em thuộc diện trên đa số là 5 - 6 tuổi mới được đến trường để làm quen với tiếng Việt (ở nhà chỉ nói tiếng mẹ đẻ). Cho nên khi học chương trình phổ thông không theo kịp các bạn đã nói sõi tiếng Việt. Nguyên nhân khác nữa được viện dẫn là thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của các em còn thiếu, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý còn thiếu... đã tác động lớn đến chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Đấy là chưa kể một nguyên nhân rất nóng nhưng rất cũ mà các đại biểu HĐND chất vấn là tình trạng chạy theo thành tích nên đã "đôn" các em lên lớp.
Giải quyết câu chuyện ngồi nhầm lớp cũng đã nói nhiều, bàn nhiều, nhưng bao nhiêu năm qua vẫn chưa chấm dứt. Giải pháp cho vấn đề này, bên cạnh việc tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị và cả đội ngũ giáo viên, cần có sự quan tâm lớn của gia đình và xã hội. Chỉ khi mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội được nhịp nhàng và có sự gắn kết thì chất lượng giáo dục mới được nâng cao. Thời kỳ nào cũng vậy, quan tâm chất lượng giáo dục là quan trọng nhất, đừng vì thành tích mà để trẻ ngồi nhầm lớp sẽ tạo gánh nặng cho nhà trường và xã hội sau này.
Bình luận (0)