Mới đây, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (TX.Hoàng Mai, Nghệ An), đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dùng mạng xã hội khi đăng bài xin 2 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh (HS) kèm bức ảnh lá đơn xin miễn giảm tiền học và các khoản đóng góp của gia đình các em.
Theo thông tin trong đơn, bố của 2 HS (đang theo học lớp 8 và lớp 6 của trường) bị tai nạn lao động và đang điều trị tại bệnh viện. Do chi phí điều trị lớn và cần người chăm sóc, mẹ của 2 HS không thể đi làm, khiến kinh tế gia đình gặp khó khăn. "Tôi chỉ dám xin hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho các em thôi, còn các khoản chi phí học tập khác nhà trường sẽ tháo gỡ dần. Thế nhưng kết quả vượt cả mong đợi ban đầu. Chỉ sau chưa đến nửa ngày, đã có nhiều người hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế, giúp đỡ các em về học phí trong năm học này", thầy Hồ Tuấn Anh nói.
Trước đó, 2 thầy hiệu trưởng ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Điện Biên cũng từng gây xúc động và nhận được rất nhiều chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng khi viết thư ngỏ xin kinh phí để nấu cơm cho học trò do các em phải ở lại trường những ngày cuối tuần…
Cô giáo xin hỗ trợ laptop: ‘Tôi biết mình sai vì chưa hiểu rõ thông tư về xã hội hóa giáo dục’
Tuy nhiên, lâu nay đã từng xảy ra rất nhiều việc khi giáo viên (GV) chủ động hoặc bị phân công đứng ra thu chi các khoản cho nhà trường hoặc cho lớp từ tiền đóng góp của phụ huynh. Chuyện GV gợi ý phụ huynh đóng góp các khoản ngoài quy định thông qua ban đại diện cha mẹ HS cũng không hiếm. Nhiều nơi quỹ phụ huynh do ban phụ huynh thu, nhưng lại trích một khoản không nhỏ nhờ GV "chi hộ" hoặc chi để lễ tết chính các thầy cô. Những điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và vị thế của nhà giáo.
PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN) chia sẻ: "Khi làm việc với các trường học trong một chủ đề về quản trị chất lượng giáo dục và an toàn trường học, tôi phát hiện ra, ẩn dưới sự thanh bình với những hoạt động giáo dục tưởng như ổn định thì luôn có những "sóng ngầm", mà khi phân tích, tôi cảm giác bất cứ lúc nào cũng có thể tạo thành "sóng thần". Nguyên nhân đến từ hoạt động giáo dục thường ngày chỉ chú ý đến giám sát, quản lý "dạy đúng tiết, đúng bài". Rất ít trường học để ý đến "dạy như thế nào", "ứng xử trực tiếp" của từng thành viên nhà trường, văn hóa nhà trường đang ra sao".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng phát biểu nhân ngày Nhà giáo VN: "Chúng ta luôn tâm niệm nghề giáo là nghề cao quý và luôn cần giữ sự tôn nghiêm. Nhưng để có sự tôn nghiêm trước hết với nhà giáo, chúng ta cần làm thật tốt công việc của mình, để từ đó có tinh thần và ý thức đầy đủ để giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp…".
Bình luận (0)