Nhiều bạn đọc ủng hộ việc CSGT ra quân kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, đồng thời kêu gọi mọi người đã uống rượu bia thì không lái xe để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.
Như Thanh Niên đưa tin, tối 29.10, Đội tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, lập các chốt trên đường Phạm Văn Đồng kiểm tra, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Kết quả nồng độ cồn của ông Lê Hữu Hào là 0,231 mg/lít khí thở |
CAO AN BIÊN |
Lúc 22 giờ 15 tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị (P.11, Q.Bình Thạnh), tổ công tác lập chốt và ra hiệu dừng hàng loạt xe máy để đo nồng độ cồn. Tại đây, nhiều người vi phạm bị lập biên bản, tạm giữ xe.
Dịch đang còn đó chứ có hết hẳn đâu, chủ quan quá là nguy cơ nhiễm rất cao. Tôi mong muốn mọi người hãy học cách sống chung với dịch. Đừng vì chút vui của bản thân mình mà gieo thêm gánh nặng cho cộng đồng.
Banghuynhan
Uống rượu rồi lái xe, vấn nạn này làm nhức nhối cộng đồng bao nhiêu năm qua. Mong các anh CSGT làm mạnh tay, làm liên tục để đẩy lùi tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất.
Công Thành Trần
Tôi có người bạn đi nhậu về bị tai nạn giao thông giờ thành tàn phế, rất khổ cho vợ con. Vì thế, tôi ủng hộ các anh CSGT lập chốt, nhất là gần các quán nhậu, để kiểm tra, xử lý người đã uống rượu bia còn lái xe.
Viet Dat
Hầu hết các trường hợp đều hợp tác với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp… vùng vằng không hợp tác làm mất thời gian của lực lượng kiểm tra. Lúc 23 giờ 18, anh Nguyễn Thiên Phú (27 tuổi, ngụ Q.1), điều khiển xe máy trên đường Phạm Văn Đồng từ hướng TP.Thủ Đức về Q.Bình Thạnh, có chở một cô gái, được CSGT yêu cầu tấp xe vào lề để kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn. Sau khi phát hiện anh Phú có nồng độ cồn 0,596 mg/lít khí thở, tổ kiểm tra tiến hành lập biên bản, tạm giữ bằng lái và phương tiện theo đúng quy định. Trong quá trình lập biên bản, cô gái đi cùng có dấu hiệu say xỉn, mất bình tĩnh, liên tục văng tục với CSGT, đập phá xung quanh. Trước khi ký biên bản, anh Phú “ra điều kiện” với một CSGT: “Ngày em đến lấy xe, anh phải đi uống cà phê với em với tư cách của một công dân với một công dân. Em học luật nhưng không hiểu pháp luật nên muốn được nghe giải thích. Được không?”… Còn ông Lê Hữu Hào (49 tuổi, ngụ H.Củ Chi), sau khi kiểm tra nồng độ cồn là 0,231 mg/lít khí thở nên bị CSGT tiến hành lập biên bản, đã than: “Anh em mấy tháng trời mới gặp nên uống 2 - 3 lon bia, không uống không được”…
Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, trong ngày 29.10, CSGT toàn TP đã lập biên bản 45 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Đã uống rượu bia thì đừng lái xe !
“Từng bước mở cửa, cho ăn tại chỗ, cho phép bán bia rượu ở một số nơi… sau một thời gian “ai ở đâu ở yên đó”, tất cả đều là những tin vui rất đáng ăn mừng! Nhưng vui thôi, xin đừng vui quá mà quên mất 5K để dịch có nguy cơ bùng trở lại. Cũng đừng uống bia rượu rồi mà lái xe, như vậy là phạm luật, là làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Rồi ai gánh chịu, xã hội, gia đình, vợ con chứ ai…”, bạn đọc (BĐ) Nguyễn Văn Hải khuyên. Cùng quan điểm, BĐ Thiên Hạo nhắc nhở: “Cho phép bán rượu bia và ăn tại chỗ chứ không cho phép lái xe khi uống bia rượu, cũng không được phép vi phạm luật giao thông đâu nhé”.
Theo BĐ Vinh Nguyen, đã lỡ ăn nhậu thì nên gọi người nhà tới chở, mang xe về, hoặc gửi xe lại quán, kêu taxi, Grab về nhà... “Thiếu gì cách xử lý! Còn cứ muốn phạm luật thì phải phạt thật nặng”, BĐ Vinh nêu ý kiến. Trong khi đó, BĐ Minh Đạt khuyến cáo: “Dịch có dấu hiệu tăng trở lại sau 1 tháng nới lỏng, không thể chủ quan. Trong khi cả xã hội còn lo chống dịch, đừng để tai nạn giao thông gia tăng khiến thêm gánh nặng”.
Đề nghị phạt thật nghiêm
Rất nhiều BĐ ủng hộ việc CSGT xử phạt nặng các trường hợp vi phạm luật giao thông, nhất là những trường hợp đã uống rượu bia còn điều khiển phương tiện giao thông. “Mong các anh CSGT thường xuyên đi tuần, kiểm tra, xử phạt thật nặng những ai vi phạm nồng độ cồn”, BĐ Viet Dung thẳng thắn. Đồng tình, BĐ Nam Chau viết: “Tôi cũng là người thích bia bọt với bạn bè khi rảnh rỗi, nhưng từ khi có Nghị định 100 thì tôi chỉ uống khi đi xe ôm, taxi hay xe buýt về. Còn lúc này dịch bệnh chỉ tạm ổn và xe công cộng chưa có thì miễn uống vậy, an toàn cả hai luôn: vừa không phải lo lắng khi đến quán xá đông người, vừa không phải lo “món” đo độ cồn nữa”.
“Hậu quả do rượu bia khi tham gia giao thông là vô cùng thảm khốc. Những tai nạn giao thông đã xảy ra tại TP.HCM trong thời gian qua là thực sự đáng buồn. Cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm tình trạng đã uống rượu bia còn điều khiển xe để xã hội bớt xảy ra những điều đáng tiếc”, BĐ Thanhlan Bui ý kiến.
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Bình luận (0)