Đụng độ toàn diện với Anh

24/03/2012 04:07 GMT+7

Các tài liệu vừa được chính phủ Mỹ giải mật cho thấy nước này từng lên kế hoạch cho một cuộc chiến sống còn với Anh trên khắp thế giới.

 
Bản đồ mô phỏng kế hoạch Mỹ tấn công Anh -  Ảnh: Daily Mail

Trong giai đoạn trước Thế chiến 2, Mỹ vẫn coi Anh là mối đe dọa lớn nhất đối với mình. Khi đó, đế quốc Anh có lực lượng hải quân hùng hậu, thuộc địa khắp thế giới và bị cho là vẫn nuôi ý định tái chiếm Mỹ. Vì thế, Washington chuẩn bị rất kỹ lưỡng các phương án ra tay trước vừa để triệt tiêu nguy cơ vừa bành trướng thuộc địa.

Tài liệu Estimate of the Situation - Red and Tentative Joint Basic Plan - Red ban hành ngày 8.5.1930 cung cấp chi tiết kế hoạch tấn công Anh. Theo đó, tổng động viên sẽ hoàn thành vào năm 1932 - 1933 để sẵn sàng cho chiến tranh. Ngoài ra, một số lượng lớn tàu ngầm được gấp rút hoàn thành. Ngày khai chiến được đặt mật danh là M-day nhưng không rõ là dự tính vào năm nào.

Kế hoạch bao gồm 2 nội dung cơ bản. Thứ nhất, củng cố toàn bộ lực lượng hiện có tại Bắc Mỹ cùng các thuộc địa, đảm bảo Canada không trở thành bàn đạp cho quân Anh. Thứ hai, tấn công cấp tập, kể cả bằng vũ khí hóa học, nhằm vào hầu hết các thuộc địa của Anh để làm nước này kiệt quệ. 

Phong tỏa Bắc Mỹ

Theo tài liệu trên, khi cuộc chiến nổ ra, lục quân và không quân Mỹ sẽ “làm cỏ” Canada, tiêu diệt toàn bộ lực lượng Anh ở Bắc Mỹ. Đầu tiên, quân Mỹ sẽ tấn công vào Halifax của Canada bằng lực lượng sẵn có sát biên giới đồng thời tiến chiếm mạn đông bắc nước láng giềng. Quebec là một trong những địa điểm sẽ bị tấn công sớm. Lực lượng Mỹ tại chiến trường này có nhiệm vụ kiểm soát khu vực trải dài từ Canada đến hết Alaska, bao phủ vùng Ngũ Đại Hồ rộng lớn.

Cùng lúc, hải quân Mỹ triển khai gần nửa triệu binh sĩ đồng loạt tấn công tất cả lực lượng Anh ở tây bắc Đại Tây Dương và phong tỏa toàn bộ các khu vực như vịnh Mexico, vùng biển Caribe và vịnh St Lawrence. Xa hơn, với sự hỗ trợ của không quân, hải quân nước này cũng thâu tóm vịnh Hudson ở Canada. Từ đó, hải quân sẽ hỗ trợ lục quân tấn công khu vực Ngũ Đại Hồ. Sau khi hoàn tất giai đoạn này, Mỹ sẽ kiểm soát toàn bộ Bắc Mỹ và tạo được vành đai phòng vệ ngoài biển trải dài từ Trung Mỹ lên hết Bắc Mỹ.  

Kịch bản Anh phản công

Cục Văn khố quốc gia Mỹ cũng công bố nhiều tài liệu trong đó dự báo về phản ứng của quân Anh khi cuộc chiến nổ ra. Giới quân sự Mỹ khi đó cho rằng đối thủ sẽ điều động được hơn nửa triệu lính đến Bắc Mỹ chỉ trong vòng 15 ngày từ khi khai chiến. Xa hơn, sau 19 tháng, liên quân Anh - Canada sẽ triển khai hơn 6 triệu lính. Theo kịch bản đó, Bắc Mỹ sẽ là một trong những chiến trường lớn nhất lịch sử thế giới với khoảng 10 triệu binh sĩ của cả hai phe. Ngoài ra, Anh cũng có thể huy động gần 1.400 tàu chiến các loại cũng như tấn công các thuộc địa của Mỹ. Vì thế, Mỹ dự định sẽ nhanh chóng bổ sung lực lượng tại Panama, Hawaii, Philippines... Điển hình là sẽ bổ sung 40.000 quân đến kênh đào Panama để phòng thủ tuyến hàng hải huyết mạch này. 

Cũng theo hồ sơ Estimate of the Situation - Red and Tentative Joint Basic Plan - Red, Mỹ sẽ triển khai giai đoạn thứ hai của cuộc chiến bằng nỗ lực chiếm Jamaica, Bahamas và Bermuda rồi lấy đà tấn công các thuộc địa còn lại của Anh ở châu Á và châu Phi.

Thâu tóm châu Á

Theo tài liệu Top Secret Correspondence to Mobilization được giải mật từ Cục Văn khố quốc gia Mỹ, nước này dự định chiếm toàn bộ thuộc địa của Anh ở châu Á, đặc biệt là tấn công thâu tóm Ấn Độ để làm bàn đạp khống chế cả Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, Nhật Bản được đặt mã màu cam, tượng trưng cho nguy cơ lớn thứ hai đối với Mỹ, sau Anh. Khi đó, giới tình báo Mỹ nhận định các thuộc địa của nước này tại châu Á có thể bị Nhật dòm ngó đồng thời rất lo lắng việc Tokyo tăng cường hải quân. Vì thế, Mỹ cũng chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng can thiệp chiếm giữ những vùng thuộc Trung Quốc đang bị Nhật chiếm đóng và một số nước Đông Nam Á để tạo tiền đề tấn công trực diện đối thủ. 

Trọng Kha

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.