(TNO) “Tôi phát mệt với lối nghĩ rằng vì chúng ta sống ở Mỹ, nên chúng ta muốn nói và làm gì tùy thích...", một tài khoản tên Audrey Ohara nhận xét về vụ ca sĩ Lady Gaga "chế" quốc ca Mỹ năm 2013.
Nữ ca sĩ Lady Gaga từng gây tranh cãi với việc "chế" quốc ca Mỹ năm 2013 - Ảnh: Reuters |
Vừa qua dân mạng bàn tán rất nhiều xung quanh những ý kiến về việc một doanh nghiệp thay lời quốc ca cho nhân viên để hát trong một sự kiện. Nhiều người phản đối, cho đó là chuyện "xúc phạm hình ảnh thiêng liêng của dân tộc", số khác cho rằng đây chỉ là một bài hát... cho vui, không cần phải làm sự việc nghiêm trọng.
Vậy thì ở phương Tây, quốc ca có ý nghĩa gì trong lòng người dân và đã từng có những vụ lùm xùm tương tự nào diễn ra?
Đừng dùng "sự tự do" để bao biện
"Tôi phát mệt với lối nghĩ rằng vì chúng ta sống ở Mỹ, nên chúng ta muốn nói và làm gì tùy thích. Sự thật thì chúng ta có tự do ngôn luận, nhưng hãy vận dụng những nhận thức cơ bản của mình... Tôi mệt mỏi khi phải nghe mọi người nói rằng ta không bao dung. Tôi nghĩ chúng ta đã trở thành những người cần được bao dung. Chỉ đơn giản là thô lỗ và thiếu tôn trọng người khác", một tài khoản tên Audrey Ohara nhận xét về vụ ca sĩ Lady Gaga "chế" quốc ca Mỹ năm 2013.
Những bình luận phản đối hành động của Lady Gaga trên Facebook The Bert Show năm 2013
|
Khoảng tháng 6.2013, ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga đã gây tranh cãi lớn khi "chế" lời quốc ca Mỹ để hát trong một sự kiện dành cho người đồng tính tại thành phố New York, Mỹ.
Cụ thể, nữ ca sĩ nổi tiếng có phong cách quái dị này đã thay lời của bản The Star-Spangled Banner. Thay vì bản gốc "O say does that star-spangled banner yet wave - O'er the land of the free and the home of the brave?", Lady Gaga hát "O say does that star-spangled flag of pride yet wave - O'er the land of the free and the home of the gays".
Trong đó "flag of pride" là "lá cờ tự hào của người đồng tính", còn "home of the gays" là "ngôi nhà của những người đồng tính nam".
Việc Lady Gaga dám "chế lời" bài quốc ca của Mỹ tạo làn sóng phản đối lớn với ca sĩ này. Một số ý kiến bảo vệ danh ca này lập luận rằng cô ta chỉ đơn giản hát cho hợp không khí của một sự kiện cũng bị phản bác. Nhiều dòng bình luận cho biết họ không chấp nhận việc đó, vì quốc ca Mỹ không phải "chỉ là một bài hát" như cách nói của những người xem nhẹ sự việc. Thậm chí một số đã kêu gọi phạt Lady Gaga, song câu chuyện chìm vào quên lãng.
Trước đó vào năm 2011, nữ ca sĩ Christina Aguilera cũng bị chỉ trích vì hát "nhầm" lời của bài quốc ca Mỹ. Tạp chí Bill Board xếp buổi trình diễn tại Super Bowl của Aguilera vào tốp 10 bài quốc ca được hát tệ nhất.
Cấm dùng quốc ca cho mục đích thương mại
Đừng nói làm méo mó bài quốc ca, bạn thậm chí không được phép sử dụng tùy tiện! Đó là những trường hợp xảy ra tại Bangladesh và Nga.
Ngày 12.5 năm nay, Tòa án Tối cao Bangladesh quyết định cấm dùng quốc ca làm nhạc chuông điện thoại di động và trong bất cứ mục đích thương mại nào khác. Lý do họ không muốn thấy quốc ca bị coi như một công cụ kinh doanh.
Ở Bangladesh, quốc ca thiêng liêng tới mức không được sử dụng làm nhạc chuông - Ảnh: Reuters
|
Không lâu sau đó tại Nga, một nghị sĩ của đảng Cộng sản cũng đề xuất cấm dùng quốc ca làm nhạc chuông với lý do tương tự.
"Quốc ca Nga là một trong những biểu tượng của lòng yêu nước trong chúng ta, có ý nghĩa đại diện cho đất nước và hình thành lòng yêu nước trong người dân. Theo tôi, việc thương mại hóa quốc ca là không đứng đắn", nghị sĩ Solovyev nói với đài phát thanh Tin tức nước Nga.
Ông Solovyev cho rằng ngoài quốc ca, người dân cũng không nên được phép lạm dụng bất kỳ biểu tượng quốc gia nào của Nga để kinh doanh.
Bình luận (0)