Dừng giao dịch ngân hàng điện tử nếu không xác thực sinh trắc học

02/10/2024 20:19 GMT+7

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, từ 1.1.2025, nếu tài khoản nào chưa được xác thực với căn cước công dân do Bộ Công an cấp thì sẽ dừng giao dịch trên kênh điện tử.

Trên 90% giao dịch ngân hàng thực hiện trên kênh số

Phát biểu tại hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" ngày 2.10, tại Hà Nội, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở gắn liền với sự kết nối và tích hợp nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu…

 Dừng giao dịch ngân hàng điện tử nếu không xác thực sinh trắc học- Ảnh 1.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại sự kiện

ẢNH: TP

Hiện nay, tại nhiều ngân hàng thương mại, trên 90% giao dịch ngân hàng thực hiện trên kênh số. Người dân có thể không phải đến ngân hàng nhưng vẫn thực hiện được nhiều giao dịch.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã thực hiện bảo lãnh điện tử. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông tư cho phép tổ chức tín dụng triển khai cho vay trên phương tiện điện tử, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng, có thể vay các món nhỏ lẻ dễ dàng trên kênh số.

Phó thống đốc nhấn mạnh: "Nếu không có tài khoản ngân hàng thì không làm được dịch vụ gì. Đến nay, có trên 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, đây là điểm sáng của phổ cập tài chính, thước đo của tài chính toàn diện".

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp Cục Cảnh sát về quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 - PV), cùng phối hợp làm sạch tài khoản.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345 (có hiệu lực từ 1.7 - PV) triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Trong đó có quy định khi chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc tối đa 20 triệu đồng/ngày thì khách hàng phải xác thực sinh trắc học.

Đáng chú ý, theo thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng - PV), từ ngày 1.1.2025 tới, nếu tài khoản của khách hàng chưa được xác thực với căn cước công dân do Bộ Công an cấp thì sẽ phải dừng các giao dịch ngân hàng trên phương tiện điện tử.

Đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục phối hợp C06 để triển khai thông tư này, ông Dũng nhấn mạnh: "Tài khoản nào chưa được xác thực với căn cước công dân do Bộ Công an cấp thì sẽ dừng giao dịch trên kênh điện tử.

Triển khai từ ngày 1.1.2025 là phải hoàn toàn đảm bảo dữ liệu của ngân hàng là dữ liệu sống, dữ liệu đối chiếu đầy đủ với căn cước công dân của Bộ Công an để loại trừ, giảm thiểu việc cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng hoặc mở tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ giả, góp phần ngăn chặn việc lừa đảo".

Lừa đảo ngân hàng trên môi trường số giảm 70%

Trước đó, trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn cho biết, theo Thông tư 18, từ ngày 1.1.2025, tất cả những thẻ chưa được ngân hàng, các trung gian thanh toán thu thập thông tin sinh trắc học để kiểm tra, đảm bảo chính chủ thì khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ tại quầy.

 Dừng giao dịch ngân hàng điện tử nếu không xác thực sinh trắc học- Ảnh 2.

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia (C06), chia sẻ tại hội thảo

ẢNH: TP

Đây là điều kiện để đăng ký sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, không phải mọi giao dịch đều phải kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học. Giá trị các giao dịch được kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học tiếp tục được thực hiện theo Quyết định 2345.

Ông Tuấn thông tin, tổng số dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập từ ngày 1.7 đến nay khoảng 38 triệu tài khoản, trong đó có gần 4 triệu ví điện tử.

Có thể nói, gần như tất cả những khách hàng thực hiện các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày đều đã được đăng ký các thông tin sinh trắc học để kiểm tra, xác thực lại chính chủ của tài khoản, thẻ, ví khi thực hiện giao dịch.

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia (C06), cho biết thời gian qua, Bộ Công an thực hiện chú trọng phát triển hạ tầng thông tin viễn thông.

"Chúng tôi đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho 100% công dân với trên 104 triệu dữ liệu. C06 cũng tích cực triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu căn cước công dân; đến nay, đã cấp được trên 84 triệu căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên.

Từ ngày 1.7, luật Căn cước có hiệu lực, C06 đã mở rộng đối tượng cấp căn cước công dân cho công dân từ 0 - 6 tuổi, từ 6 - 14 tuổi", ông Hiển nói.

Về ứng dụng với Ngân hàng Nhà nước, từ nền tảng kho dữ liệu dân cư, kho dữ liệu căn cước, đặc biệt trong kho dữ liệu căn cước, C06 sử dụng 3 dữ liệu sinh trắc học mống mắt, vân tay, khuôn mặt. Căn cứ từ kho dữ liệu hiện có, C06 sẽ phối hợp triển khai với các đơn vị.

C06 đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai làm sạch dữ liệu công dân, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip. Việc mở thẻ hiện nay rất thuận lợi với công dân. Công dân chỉ cần có nhu cầu, ngân hàng và hệ thống dữ liệu công dân sẽ phối hợp thực hiện.

"Có thể nói, sau khi triển khai xác thực sinh trắc học, tỷ lệ lừa đảo ngân hàng trên môi trường số đã giảm 70%. Thời gian tới, đề nghị các ngân hàng sớm kết nối với C06 để triển khai các hoạt động điện tử trong các giao dịch ngân hàng", thiếu tá Trần Duy Hiển nhấn mạnh.

Qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể từ khi triển khai xác thực sinh trắc học từ ngày 1.7.

Cụ thể, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8 khoảng 700 vụ, giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8 khoảng 678 tài khoản, giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không có phát sinh số lượng vụ việc trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.