Đạo diễn Vũ Minh cho biết: “Ông là một tác giả có nhiều vở kịch để đời, vài chục năm sau dựng lại vẫn thấy như mới. Tất nhiên, tôi có thay đổi tiết tấu, thay đổi phong cách để phù hợp với hiện đại, nhưng cốt lõi kịch bản thì đã đủ sức chinh phục khán giả”.
Tình yêu và thù hận thường đi đôi với nhau. Thật đáng sợ nếu như thù hận nhấn chìm người ta vào hố sâu tuyệt vọng, bít hết lối tương lai. Bà mẹ trong Ngôi nhà không có đàn ông vì hận người chồng đã lừa dối mình mà nhồi nhét tư tưởng thù ghét đàn ông cho cô em và ba đứa con gái của mình. Nhưng rồi mọi người cũng theo quy luật sống mà thoát ra vòng cương tỏa của bà. Tình yêu có một sức mạnh vạn năng mở bung mọi cánh cửa tâm hồn.
Bản dựng mới có nhiều điểm đáng chú ý. Khác biệt nổi bật là vai dì Ba được giao cho NSƯT Thành Lộc. So với dì Ba ngày xưa của Nguyễn Thị Minh Ngọc thì rõ ràng ở bản dựng mới, nhân vật đã có đất diễn hơn rất nhiều. Thành Lộc diễn duyên dáng, hài hước, dù nhân vật gánh chịu bi kịch “lỡ thời” song lại khiến khán giả cười suốt.
Ấn tượng thứ hai là vai cô con gái tên Hạ quậy nhất trong nhà do Lê Khánh đảm nhận. Lớp diễn giữa Lê Khánh và NSƯT Hữu Châu (người yêu của Hạ) thực sự là lớp diễn khó, phải lắng đọng, vừa giấu kín tâm tư, vừa phải thể hiện cho người ta biết, vừa gần gũi vừa xa cách, vừa cao ngạo vừa mềm yếu… Hữu Châu và Lê Khánh làm khán giả khóc một cách lặng lẽ. Giới sân khấu rất “sợ” những khoảng lặng thế này, diễn viên non tay là mất hút khoảnh khắc mong manh của rung động. Ở đây, màn nhung kéo lại cũng là lúc vỡ òa những tràng pháo tay tán thưởng.
Những nghệ sĩ như NSƯT Kim Xuân (vai người mẹ), Hoàng Trinh (Xuân), Vân Trang (Thu), Tuấn Khôi (người yêu của Xuân)... cũng không thua kém thế hệ vàng ngày xưa từng diễn vở này tại Sân khấu 5B Võ Văn Tần như Hồng Vân, Hồng Đào, Phương Linh... Mỗi thế hệ có nét hay riêng, và họ vẫn chinh phục khán giả. Thực sự, suy cho cùng, một kịch bản hay sẽ làm nền rất tốt cho bất cứ thế hệ nào. Cho nên dễ hiểu vì sao kịch bản của Ngọc Linh cứ được các sân khấu tái dựng. Đặc biệt là 3 vở Ngôi nhà không có đàn ông, Ngôi nhà không có đàn bà, Ngôi nhà của chúng ta.
Bình luận (0)