'Người ta lớn, trải nghiệm qua sẽ thấy mình dễ thương đến lạ. Cũng không ít người thấy mình quá lố trong quá khứ…', PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói về vấn đề thần tượng của giới trẻ.
Cảnh tượng chen chúc tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 12.3, khi nhóm nhạc Hàn Quốc T-Ara đến TP.HCM - Ảnh: Phan Giang |
Cách đây vài ngày, khi nhóm nhạc Hàn Quốc T-Ara có mặt tại TP.HCM, mặc dù đây không phải lần đầu T-Ara sang Việt Nam, nhưng sức hút của những cô gái xứ Hàn vẫn lớn, thể hiện qua cảnh hàng trăm bạn trẻ chen lấn để chiêm ngưỡng thần tượng ngay tại điểm đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Nói đi, nói lại, không thể thay đổi
Chuyện giới trẻ phát cuồng vì thần tượng không còn mới mẻ ở Việt Nam. Vấn đề này thậm chí đã từng gây tranh cãi mạnh mẽ trên truyền thông cũng như mạng xã hội từ cách đây vài năm, cũng xuất phát từ bức ảnh chụp một thanh niên khóc lóc với chính nhóm T-Ara.
|
|
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, một chuyên gia về tâm lý, đã từng có nhiều bài phân tích về vấn đề thần tượng của giới trẻ. Trả lời Thanh Niên một lần nữa về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết ông vẫn giữ nguyên quan điểm về điều này, cho rằng việc thần tượng không phải xấu, nhưng nên kiềm chế để khiến chính nó trở nên tích cực cho cuộc sống.
“Tôi nghĩ quan điểm của mình về thần tượng của các bạn trẻ không thay đổi kể cả hôm nay trong sự so sánh với vài năm trước. Tôi vẫn giữ quan điểm của mình. Việc các bạn trẻ thần tượng ai, các bạn có quyền thể hiện tình cảm hay sự quan tâm của mình".
"Nhưng việc làm quá thì không nên, vì ai cũng cần có những yêu cầu trong cuộc sống và ở những quan hệ khác nhau cần tuân thủ. Hơn nữa, có thể thần tượng ai đó nhưng đừng biến họ thành tượng thần. Và cũng đừng quên có những hành động tích cực chứ không chỉ là hành động thần thánh hóa thần tượng”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.
Diễn viên Song Joong-ki trong phim Hậu duệ Mặt trời đang là thần tượng đình đám của các bạn trẻ - Ảnh: AFP
|
Có thể nói qua nhiều năm, câu chuyện về thần tượng của giới trẻ cũng không nhiều thay đổi, bất chấp đã xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích, hoặc nhẹ nhất là “khuyên răn” đừng nên quá cuồng thần tượng.
Sức hút của T-Ara có thể thuyên giảm đôi chút, nhưng chắc chắn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chật ních người nếu hiện tại diễn viên Song Joong-ki, ngôi sao “Đại úy” của bộ phim Hàn Quốc đang gây sốt có tên Hậu duệ Mặt trời.
Cùng với trào lưu của Facebook, không có gì ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ nhanh chóng gán danh “soái ca” cho Song Joong-ki, và nguyện “xin chết” vì tài tử xứ Hàn do sự tài hoa và hoàn hảo trên màn ảnh.
Đừng quá trễ để thấy mình... lố
Chưa bàn đến Che Guevara trong quá khứ hay những nguyên thủ như Vladimir Putin, Barack Obama hay nhà toán học, GS Ngô Bảo Châu hiện tại, những thần tượng thuộc về lĩnh vực chính trị, quân sự hay tài năng về khoa học, giáo dục hiếm khi được giới trẻ... phát cuồng.
Bất chấp sự cuồng nhiệt không phải lúc nào cũng được đền đáp đúng mong đợi, nhiều bạn trẻ vẫn giữ niềm tin yêu vào thần tượng của họ - Ảnh: Phan Giang
|
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định rằng “thực sự sẽ có sự khác biệt giữa thần tượng của một người trong lĩnh vực này và lĩnh vực khác. Vì chính thần tượng cũng ảnh hưởng nhất định đến người thần tượng mình”.
Ông Sơn cho biết: “Xuất phát từ những đặc điểm tâm lý của lứa tuổi, việc thần tượng một nhân vật nào đó trở thành một nhu cầu của lứa tuổi. Dưới góc độ tâm lý học, thần tượng là người được người khác tôn vinh, ngưỡng mộ và yêu mến vì một hay nhiều đặc điểm nổi trội nào đó, phù hợp với đặc điểm tâm lý của người hâm mộ. Vì thế, thần tượng của giới trẻ mà đặc biệt là học sinh THPT lại là những người nổi tiếng. Thực chất người nổi tiếng có nhiều điểm đáng để ngưỡng mộ và trân trọng. Người nổi tiếng có một số phẩm chất trở thành điểm đến cần phát huy...”.
Giới trẻ, chủ yếu ở lứa tuổi đôi mươi là đối tượng dễ bị tác động tâm lý và có thể bị ảnh hưởng từ “một người có từ trường tâm lý mạnh hay một nhóm có thể chi phối”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn phân tích thêm.
Khi được hỏi về thực tế rằng con người vẫn thường nhớ lại quá khứ của mình, nhìn vào đó bằng suy nghĩ “tại sao khi ấy tôi ngây ngô như vậy?”, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Người ta lớn, trải nghiệm qua sẽ thấy mình “dễ thương” đến lạ. Cũng không ít người thấy mình quá lố trong quá khứ… Điều này thường trễ, đáng tiếc. Vì thế, chính giáo dục làm cho người ta nhận thức phù hợp, kịp thời và kiểm soát mình. Vấn đề còn lại người được giáo dục có tiếp nhận hay không”.
Bình luận (0)