Đừng làm trẻ mất hứng thú

26/05/2012 09:28 GMT+7

Nhiều bậc phụ huynh quay cuồng với công việc nên thời gian chơi đùa cùng con vốn giới hạn nay lại càng ít. Và các bé thường được cha mẹ tặng quà, đồ chơi với hi vọng bù đắp cho con.

Mua đồ chơi đẹp cho con không quan trọng bằng việc chơi cùng con - Ảnh: Quân Nam
“Con trai thì cứ tặng robot hoặc máy điện tử, còn con gái thì búp bê, đồ hàng. Chỉ là đồ chơi thôi mà, mất thời gian kén chọn làm gì” - anh Minh Quân (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình, TP.HCM) giải thích cách mua đồ chơi cho con Ngày quốc tế thiếu nhi (1-6) sắp tới.

Chuyện nhỏ?

Để có được nụ cười của cậu quý tử trong nhà, anh Quân và vợ nhiều lần gồng mình móc hầu bao mua những món đồ chơi từ giá vài trăm ngàn tới bạc triệu. “Bực một nỗi mua về xài chưa được bao lâu thì con kêu chán và quẳng đồ khắp nơi” - anh than thở.

 Mua đồ chơi đẹp cho con không quan trọng bằng việc chơi cùng con

Ngược lại, gia đình chị Kiều Vân (đường Lê Văn Sĩ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hiếm khi mua đồ chơi cho con. Chị lý giải: “Chúng tôi thống nhất chỉ tặng quà cho con vào cuối mỗi năm học vì muốn con học tính tiết kiệm ngay từ bé, chưa kể đồ chơi bây giờ nhiều khi làm từ hóa chất độc hại nên tôi và chồng thường tranh thủ mua đồ chơi trong những chuyến công tác nước ngoài cho an tâm”. Tuy nhiên, chị thừa nhận ít khi nào hỏi ý kiến con trước khi mua đồ chơi.

Chia sẻ góc nhìn của mình, ThS tâm lý Lê Thị Linh Trang cho biết việc chọn đồ chơi cho trẻ quan trọng tương tự việc chọn trường, chọn thức ăn... Theo bà Trang, đồ chơi đóng vai trò rất quan trọng trong thế giới của trẻ vì giúp trẻ phát triển nhiều mặt từ nhận thức, trí tuệ, kỹ năng cho đến hình thành phẩm chất đạo đức, tình cảm.

Đồng quan điểm, giáo sư tâm lý Neal Newfield (Đại học West Virginia, Hoa Kỳ) cho rằng chơi đùa là “nhiệm vụ” quan trọng của trẻ, đồ chơi chính là công cụ để trẻ thực hiện nhiệm vụ ấy. Đồ chơi giúp trẻ trải nghiệm được nhiều vai trò trong cuộc sống, mở rộng trí tưởng tượng và có lợi cho việc phát triển của não bộ. “Vì thế cha mẹ nhất thiết không được xem nhẹ việc chọn đồ chơi cho trẻ” - ông nói.

Bà Trang lưu ý các bậc cha mẹ cần quan tâm về độ tuổi, sở thích của trẻ để có thể mua đồ chơi phù hợp. “Mỗi độ tuổi của trẻ sẽ có mức độ phát triển tư duy, kiến thức nhất định, nên đồ chơi cần thay đổi linh động để đáp ứng yêu cầu này” - bà nói. Một điều quan trọng khác, theo bà, là đừng bao giờ áp đặt con trẻ trong việc chọn đồ chơi bởi sẽ khiến trẻ mất hứng thú và mọi thứ trở nên vô nghĩa.

Chơi mà học

Giải thích về việc trẻ mau chóng chán đồ chơi hoặc vẫn khóc quấy dù có nhiều đồ chơi, bà Trang cho rằng là do trẻ muốn khơi gợi sự chú ý, quan tâm chơi cùng của cha mẹ. “Trẻ chơi một mình hoài cũng chán. Chưa kể nếu phụ huynh không chơi cùng và giảng giải thì trẻ khó thể hiểu hết được ý nghĩa, chức năng và sự thú vị của đồ chơi” - bà phân tích.

Bà cho rằng việc cha mẹ dành thời gian để chơi cùng con trẻ rất quan trọng, bởi khi đó hai bên có thể hiểu nhau hơn về nhiều mặt. Thông qua việc chơi cùng trẻ, phụ huynh có thể nhận ra và uốn nắn kịp thời những vấn đề liên quan đến nhân cách trẻ (như cách sử dụng, thái độ ứng xử với đồ chơi, với người chơi cùng...).

“Việc chơi đùa cùng trẻ rất thú vị và có ý nghĩa vì giúp phụ huynh dễ thân thiết, gây được ảnh hưởng với trẻ. Điều này giúp trẻ hiểu chúng đang được quan tâm, thương yêu và hình thành tính cách biết san sẻ thương yêu của trẻ trong tương lai. Trẻ cũng sẽ học được ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp xã hội thông qua việc chơi cùng cha mẹ” - ông Neal phân tích.

Do thế giới quan còn non nớt nên khi được cha mẹ quan tâm, trẻ sẽ dễ tìm thấy sự thú vị ở hầu hết những vật xung quanh mình. “Tôi từng chứng kiến nhiều đứa trẻ háo hức tháo hộp quà ra và... bỏ đồ chơi sang bên để ngồi chơi một cách hào hứng với chiếc hộp cùng cha mẹ” - ông Neal kể. Ông cho rằng đó là minh chứng thuyết phục cho tầm quan trọng của việc hòa mình, dành thời gian chơi đùa cùng trẻ ở phụ huynh.

* Anh Nguyễn Hoành Tiến (phó tổng giám đốc Công ty VNG):

Gia đình tôi đặc biệt quan tâm việc chọn đồ chơi cho con. Chúng tôi thường cho phép con chọn đồ chơi trong khoản tiền cho phép, rồi sau đó đưa ra lời khuyên phù hợp. Tiêu chí quan trọng nhất vẫn là đồ chơi phải có khả năng phát triển tư duy cao và vận động phù hợp, chất liệu an toàn. Các nhãn hàng đáp ứng được yêu cầu này, theo tôi, là Lego, Fisher-Price, Ravensburger... nhưng hầu hết giá cả có vẻ cao so với nhiều người. Dù biết việc chơi cùng con là cần thiết nhưng tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh khác thường không đủ thời gian hay cùng sở thích để làm điều này.

* Chị Trần Tuyết Anh (đường Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM):

Chúng tôi thường dắt bé đi mua đồ chơi, tuyệt đối không mua những thứ bé đã có rồi hoặc mang tính bạo lực cao, cũng hạn chế để bé chơi một mình vì thấy con lủi thủi thì không đành. Bên cạnh đó việc song hành, hòa nhập vào thế giới của bé giúp chúng tôi hiểu rõ bé hơn... Đặc biệt điều này giúp bé vui hẳn, bớt ganh tị với em nhỏ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.