Đừng mãi chỉ là ngành thâm dụng lao động

27/06/2022 05:55 GMT+7

Từ lâu, dệt may - giày da được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế với doanh thu xuất khẩu rất lớn, cũng như thâm dụng lao động.

Báo cáo thực trạng lao động và dự báo nhu cầu nhân lực của 2 ngành công nghiệp truyền thống dệt may - giày da tại TP.HCM, của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, gợi mở nhiều vấn đề về chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Từ lâu, dệt may - giày da được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế với doanh thu xuất khẩu rất lớn, cũng như thâm dụng lao động. Tuy nhiên, thống kê cho thấy tốc độ tăng lao động và nhu cầu tìm việc ngành này giảm qua các năm, hiện chỉ hơn 1.000 người/năm có nhu cầu tìm việc.

Thu nhập bình quân của công nhân dệt may cần được cải thiện hơn nữa

KHẢ HÒA

Thực tế, không phải công nhân may nào đều có thể “sống khỏe” với lương của mình. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM, thu nhập trung bình của nữ công nhân ngành may là 7 triệu đồng/tháng, nhưng nếu đi sâu vào thu nhập ròng (= lương - chi phí cuộc sống - chi phí cho rủi ro) thì con số này là rất thấp ở một đô thị lớn như TP.HCM.

Hiện nay, tiền lương của công nhân ngành may bị chi phối lớn bởi giá của các đơn hàng xuất khẩu, vốn bị ràng buộc với nhiều tiêu chuẩn toàn cầu, thương lượng giữa thương hiệu và đơn vị sản xuất - cung ứng. Sẽ còn nhiều điều để nói về tối đa hóa lợi nhuận, tối ưu giá vốn... Nhưng câu hỏi đặt ra vẫn là đời sống của công nhân sẽ bị tác động thế nào.

Chính sách tiền lương công bằng, đủ sống... sẽ cần được thảo luận nhiều. Tuy nhiên, cần lưu ý trong tương lai, thị trường lao động sẽ đi theo hướng bền vững, có sự chuyển dịch sang các nhóm ngành nghề chuyên môn, đòi hỏi lao động đã qua đào tạo, trình độ cao. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ nằm ở sự tiến bộ công nghệ và lao động chất lượng cao. Vì vậy, tăng lương hay có thêm nhiều chính sách phúc lợi dẫu có thể khiến doanh nghiệp bị áp lực ban đầu, nhưng lại là cơ hội để cải tiến hiệu quả quy trình sản xuất, công nghệ, nâng cao trình độ của người lao động, tăng năng suất.

Không thể mãi xem ngành dệt may là ngành sử dụng đông lao động giá rẻ. Tương lai nó cần được xứng tầm là ngành có chất lượng lao động cao, và người lao động có thể có đời sống tốt từ công việc đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.