Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến “rót” cho ĐBSCL lên tới 460.000 tỉ đồng. Chưa kể, 6 ngân hàng phát triển (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) cũng thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu với mức vốn cam kết hỗ trợ vào khoảng 2,2 tỉ USD.
Giao thông kết nối ở ĐBSCL đang được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc |
ĐÌNH TUYỂN |
Có thể thấy, chưa bao giờ ĐBSCL lại được ưu tiên nguồn lực nhiều như vậy, gồm cả ngân sách nhà nước và từ đối tác quốc tế. Điều đó càng thể hiện rõ hơn vai trò, vị trí của vùng đất hạ nguồn sông Mê Kông trong tiến trình phát triển của đất nước, khu vực.
Vui mừng, nhưng có lẽ cũng giống như bao người dân ĐBSCL khác, tôi thực sự chờ đợi những kết quả cụ thể mà Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 sẽ mang lại cho quê hương mình. Những dự án, hành động cụ thể sẽ sớm giải đáp loạt câu hỏi: Bao giờ người nông dân sẽ thực sự thoát được vòng xoáy “được mùa, mất giá”? Vựa nông sản bao giờ mới hết quẩn quanh với câu hỏi sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào?...
Một lĩnh vực rất được mong chờ nữa là giao thông vận tải, khi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay đã có khoảng 86.000 tỉ đồng ngân sách dành cho ĐBSCL để tập trung phát triển đường cao tốc. Nếu hoàn thành, cuối nhiệm kỳ này ĐBSCL sẽ có hơn 500 km đường cao tốc.
Người dân ĐBSCL chắc chắn đều khao khát mạng lưới giao thông như Bộ trưởng Bộ GTVT nói và kỳ vọng rằng tất cả đều đúng tiến độ. Bởi lẽ mỗi một tuyến đường mở ra sẽ khơi thông vận tải hàng hóa, nông sản, giúp người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Chưa hết, nó còn là “sợi dây” kết nối giữa các địa phương, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Chẳng hạn như đi từ Cần Thơ lên TP.HCM không phải ngồi xe hơn 4 giờ đồng hồ, lại còn luôn nơm nớp lo kẹt xe…
Bình luận (0)