Tại buổi giám sát UBND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Nguyễn Minh Nhựt dẫn chứng qua giám sát thực tế tại một khu vực có trên 1.000 hộ dân ở H.Bình Chánh, nếu được kết nối một cây cầu thì có thể giúp phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân. Bởi cây cầu không chỉ tạo đường đi, giúp lưu thông thuận tiện, mà còn giúp hàng hóa do bà con khu vực đó sản xuất ra thị trường nhanh hơn, đỡ tốn kém chi phí vận chuyển.
Công tác giảm nghèo cần bám vào các chiều an sinh thực chất và bền vững hơn |
LÊ TRỌNG |
Vì thế, UBND TP.HCM nên rà soát lại các dự án, các công trình mang tính chất đầu tư công, đặc biệt các công trình giao thông trọng điểm; đồng thời kết nối, triển khai hiệu quả các nội dung liên quan chính sách phát triển nông thôn mới, tạo điều kiện về hạ tầng, cơ sở liên kết vùng.
Cần đề cập rằng năm 2021 HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2022 với tổng vốn khoảng 45.000 tỉ đồng; lưu ý quan tâm đẩy nhanh tiến độ với các dự án xây dựng trường học, y tế, giao thông phục vụ dân sinh. Tuy vậy, thực tế TP.HCM đang gặp “điểm nghẽn” giải ngân. Thống kê tới ngày 25.5, TP.HCM mới chỉ giải ngân vốn đầu tư công hơn 4.300 tỉ đồng.
Không những vậy, hiện có rất nhiều hồ sơ vay tiền của hộ nghèo, hộ cận nghèo chất chồng nhưng không giải quyết được vì chưa có nguồn vốn bố trí giải ngân. Điều này khiến người nghèo dễ rơi vào bẫy tín dụng đen.
Tôi cũng chú ý phát biểu thẳng thắn của bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM, rằng chúng ta không thể cứ mãi dồn hết nguồn lực vào chăm lo, có gì cho đó, mà quên đi các chiều giảm nghèo khác.
Bắc một cây cầu, khơi thông nguồn vốn vay... đều là những giải pháp thực chất, hướng đến các chiều an sinh bền vững.
Bình luận (0)