Đừng quá quan trọng điểm số hơn sức khỏe học sinh

23/09/2011 17:05 GMT+7

Phụ huynh và giáo viên thường chỉ quan tâm đến kết quả học tập của học sinh mà xem nhẹ hoặc ít để ý đến những chứng bệnh hay gặp ở lứa tuổi này như stress, cận thị, vẹo cột sống…

Nhiều giáo viên các trường tiểu học thừa nhận: “Điều quan trọng của một giáo viên là dạy tốt, giúp học sinh tiếp thu nhanh… nên ít hoặc không để ý đến tư thế ngồi ra sao, khoảng cách mắt nhìn thế nào”.

Giải tỏa tâm lý cho con

Hiện nay, học trò bị stress trở nên khá phổ biến. “Mỗi năm chúng tôi khám chữa bệnh hàng trăm ca học sinh mắc chứng stress, rối loạn tâm lý, hành vi… nguyên nhân chủ yếu là học quá mức, bị ép học không có thời gian nghỉ ngơi”, bác sĩ (BS) Phạm Văn Trụ - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, thông tin. Theo BS việc điều trị cần nhiều thời gian và tuân thủ một số yếu tố về sinh hoạt, thuốc men nên có thể gián đoạn học tập. Do vậy, nên phòng tránh việc này sẽ tốt hơn nhiều so với điều trị. BS Trụ cho biết: “Trước một vấn đề, trẻ thoải mái tâm lý sẽ tiếp thu nhanh; nếu căng thẳng, nhồi nhét sẽ mất rất nhiều thời gian hoặc không tiếp thu được hay hiểu sai”.

 
Phần lớn học sinh ngồi học không đúng tư thế nhưng ít được giáo viên và phụ huynh nhắc nhở - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ở góc độ giáo dục, thạc sĩ Lương Ngọc Tài, nghiên cứu chính, Viện Nghiên cứu giáo dục, cho biết: “Trong quá trình học, nếu con em có những thay đổi hoặc buồn phiền thì phụ huynh nên tìm hiểu nguyên nhân và giải tỏa cho các em. Thường giáo viên không thể nắm bắt được hết tâm lý, trạng thái của tất cả các em trong lớp, do vậy phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến con mình. Khi con học kém, bị căng thẳng thì nên tìm hiểu nguyên nhân hơn là trách móc la mắng, khiến sự việc thêm nghiêm trọng”.  

Ngừa bệnh về mắt

Giúp con vượt qua cú sốc tâm lý

Chủ đề buổi nói chuyện diễn ra vào lúc 9 giờ sáng ngày 25.9 tại Phòng Truyền thống - Nhà thiếu nhi TP.HCM. Chuyên viên tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy (Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố) chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để cha mẹ có thể nhận biết dấu hiệu, biểu hiện của con trẻ khi bị sang chấn tâm lý và giúp các em vượt qua cú sốc này.

Như Lịch

BS Đinh Hữu Vân Quỳnh, khoa khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM, khuyên: “Để phòng tránh các bệnh về mắt, học sinh nên chú ý đến các yếu tố như: tư thế ngồi, ánh sáng… Phụ huynh rất cần hiểu rõ vấn đề này để nhắc và dạy con”. Thông thường bàn học có chiều cao khoảng 65 - 80 cm là đạt chuẩn. Chiều cao ghế được xem là phù hợp khi mắt cách trang sách hay màn hình máy tính khoảng 35 cm mà không phải cúi đầu nhiều. Tư thế ngồi tốt nhất là ngồi ngay ngắn, thẳng lưng. Cho đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng là đọc sách, học trong ánh sáng không tốt có thể gây tổn thương cho mắt nhưng điều này sẽ gây mệt cho mắt, khiến mắt khô, ngứa hay thỉnh thoảng bị mờ. Hướng chiếu sáng tốt nhất cho việc đọc sách là chiếu từ sau và từ trên xuống. Thông thường, ánh sáng tự nhiên là tốt nhất cho việc đọc. 

Chống vẹo cột sống

Theo BS Vũ Viết Chính, trưởng khoa chỉnh hình nhi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM): có 2 loại vẹo cột sống là vẹo cấu trúc (bẩm sinh) và vẹo tư thế (do ngồi không đúng tư thế). Để phát hiện có vẹo cột sống hay không, cha mẹ nên xem trẻ có bị lệch vai, chân không đều, cột sống không cân bằng, da trên vùng cột sống đốm sắc tố, u da, khuyết tật đường giữa sống, còng lưng hay ưỡn lưng. Khi có các biểu hiện này, có nghĩa là các em đã mắc chứng vẹo cột sống.

Trong một lần khám vẹo cột sống cho hơn 4 ngàn học sinh từ tiểu học đến THPT của 16 trường học tại quận Tân Bình, TP.HCM, BS Chính nhận thấy tỷ lệ vẹo cốt sống chiếm hơn 50%. Trong đó do bẩm sinh chỉ chiếm 5,7%, do tư thế đến 47,3%. Theo BS Chính nguyên nhân chủ yếu do các em ngồi sai tư thế, có thói quen xấu trong ngồi học, xách cặp 1 bên, bàn ghế, ánh sáng không phù hợp.

Những lưu ý giúp tránh cận thị

- Về ánh sáng: Đèn phòng: có thể cần từ 4 - 6 đèn 1,2m cho phòng khoảng 16 m2. Đèn bàn: phải chiếu trực tiếp lên trang giấy, không gây chói mắt. 

 
Ngồi đúng để tránh vẹo cột sống - Ảnh: BS Vũ Viết Chính cung cấp 

- Tránh đọc sách in trên giấy bóng hay màn hình máy tính ở chế độ tương phản kém vì sẽ khiến mắt mau mệt. 

 - Cỡ chữ được xem dễ đọc khoảng 12 - 14 (theo cỡ chữ của máy tính). Tuy nhiên, đôi khi ta vẫn phải xem những cỡ chữ rất nhỏ và dày đặc, in trên các nền giấy xanh, vàng… như tự điển, các sách tra cứu… khiến mắt mau mỏi. Lúc này ánh sáng đủ là quan trọng hơn.

- Cần cho mắt nghỉ ngơi 5 - 10 phút. Sau khi đọc sách, học bài khoảng 45 phút nên nhìn ra ngoài cửa sổ, hoặc đứng dậy thư giãn.

Minh Luân 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.