Tại hội thảo góp ý kiến cho dự án luật Về hội sáng 1.3, do Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo mới chỉ tập trung vào các nhiệm vụ của hội phải thực hiện phục vụ cho quản lý nhà nước mà chưa nêu được cơ chế tạo điều kiện cho các hội hoạt động.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong số 33 điều của dự thảo luật, chỉ có 2 điều liên quan đến quyền lợi của hội là quyền lập hội (điều 3) và quyền của hội (điều 4). Ngược lại, tất cả các quy định còn lại đều mang nội dung quản lý nhà nước, đặc biệt là nhiều nội dung không cần thiết can thiệp vào nội dung hoạt động và điều lệ của các tổ chức hội.
“Nhiều người nói rằng, với nội dung như vậy thì nên đổi tên luật là luật Quản lý nhà nước về hội”, ông Trần Ngọc Hùng nói.
Theo ông Hùng, đây là lý do dự thảo luật đã 2 lần đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội nhưng vẫn chưa được thông qua và nếu không giải quyết được 2 nội dung này thì luật sẽ không phát huy hiệu quả trong xã hội, đặc biệt là những hiệu quả của tổ chức hội trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Còn ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển, cho rằng nguồn gốc của những vướng mắc của dự án luật Về hội là mâu thuẫn giữa mong muốn kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức xã hội trong khi lại vừa muốn “đẩy nó ra” để giảm chi phí về ngân sách.
“Từ đó mới có chuyện tranh luận đưa tổ chức hội nào vào diện đặc thù, tổ chức nào không, vì đưa vào nhóm đặc thù là sẽ có nguồn sữa mẹ, tức là ngân sách của nhà nước bao cấp”, ông Giao nói.
tin liên quan
Hội cần tự sốngTừ đó, ông Giao đề xuất, để gỡ nút thắt trong vấn đề này thì không nên quản lý nhà nước về hội theo kiểu thủ tục hành chính như trước đây mà nên kiểm soát tài chính đối với các hội được ngân sách tài trợ thông qua đặt hàng nhiệm vụ trên cơ sở minh bạch, cạnh tranh.
“Đây là công cụ quản lý chặt chẽ nhất với các tổ chức hội. Một khi làm chặt về cơ chế quản lý tài chính thì sẽ không còn quan trọng xếp tổ chức nào vào đặc thù, tổ chức nào không nữa”, ông Giao khẳng định.
Vấn đề khác được nhiều người đề nghị phải cân nhắc kỹ đó là trong dự thảo luật đang quy định hạn chế một số hoạt động hội như các hội không được liên kết, không được gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài. Theo ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá 13, thực tiễn trong những năm qua đã có nhiều tổ chức hội Việt Nam liên kết, gia nhập hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ của hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, ông Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa lại quy định tại khoản 5, Điều 8 một cách mềm dẻo hơn để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước là mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho các hội Việt Nam tiếp tục được liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài.
Sửa Nghị định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong khi chờ luật
Trao đổi tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết trong khi dự thảo luật Về hội chưa được Quốc hội ban hành, Chính phủ đang chỉ đạo giao Bộ Nội vụ chủ trì sửa lại Nghị định 45 năm 2010 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Việc sửa Nghị định 45 cũng phải bám sát thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tổ chức, hoạt động hội. Theo ông Tuấn, Kết luận 102 của Bộ Chính trị về Hội quần chúng đã xác định không còn hội đặc thù nữa, các hội sẽ phải tự chủ, tự nguyện, tự quản và tự trang trải kinh phí.
Tuy nhiên, khi được giao nhiệm vụ, các hội cũng được cấp kinh phí và tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ được giao, chứ không như hiện nay, hàng năm được cấp kinh phí nhưng không xác định được các hội đóng góp như thế nào vào phát triển kinh tế - xã hội.
|
Bình luận (0)