(TNO) Các nhà khoa học Mỹ cho rằng có thể dựa vào cách sử dụng điện thoại thông minh của một người để chẩn đoán liệu họ có bị trầm cảm hay không. Những người mắc bệnh sẽ có xu hướng sử dụng các tiện ích trên smartphone nhiều hơn để kéo mình thoát khỏi những điều phiền não, theo Daily Mail.
Người bị trầm cảm dành nhiều thời gian sử dụng các tiện ích trên smartphone hơn người thường - Ảnh minh họa: Reuters |
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Northwestern ở bang Illinois (Mỹ) thực hiện. Những người có bệnh trầm cảm sẽ tốn thời gian sử dụng các tiện ích trên smartphone nhiều hơn 4 lần so với người thường.
Trung bình mỗi người tốn khoảng 68 phút/ngày dán mắt vào điện thoại. Theo dõi qua GPS trên điện thoại cho thấy những người trầm cảm thường ít đi ra ngoài hơn. Họ dành nhiều thời gian ở nhà và có ít thói quen được lặp đi lặp lại hằng ngày hơn.
Người bị trầm cảm có xu hướng chuyển sự tập trung vào điện thoại để không phải suy nghĩ về những điều khiến cho họ lo lắng, giáo sư tâm lý học David Mohr, một thành viên tham gia nhóm nghiên cứu, cho biết.
"Điều này có thể giúp chúng ta phát hiện một người đang có triệu chứng trầm cảm và đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này mà không cần hỏi họ bất kỳ câu gì", ông nói thêm.
Mặt khác, phương pháp mới ít gây ảnh hưởng đến người bệnh và có tính chất riêng tư hơn vì các dữ liệu được âm thầm thu thập từ điện thoại, theo Daily Mail.
Những người mắc bệnh có xu hướng không đi ra ngoài do họ bị mất động lực sống. Họ rút vào thế giới của mình và không còn muốn làm bất cứ việc gì.
Giáo sư David đã tiến hành nghiên cứu trên 28 người, trong đó có một nửa là bị trầm cảm. Ông cho biết phương pháp chẩn đoán của ông có độ chính xác khoảng 87 %.
Bình luận (0)