Đừng sợ trách nhiệm, gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp mới cứu được doanh nghiệp

23/09/2021 10:18 GMT+7

Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy, nhà nước hoàn toàn có thể dùng ngân sách tung ra gói hỗ trợ lãi suất, cứu các doanh nghiệp đang thoi thóp vì Covid-19 .

Vì sao Bộ Tài chính, NHNN còn e ngại?

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề. Một năm sau đó, Chính phủ đã tung ra gói kích cầu 8 tỉ USD để vực dậy các doanh nghiệp (DN) đang kiệt quệ, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 1 tỉ USD (16.000 tỉ đồng). Gói này dùng trực tiếp ngân sách, thông qua các ngân hàng (NH) hỗ trợ lãi suất 4%/năm, giúp DN phục hồi sản xuất, xuất khẩu và mở rộng đầu tư…
Tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu chính sách này một cách kỹ lưỡng để có thể cứu DN ở một số lĩnh vực khó khăn nhất. Ông cũng lưu ý khi mình còn làm Tổng kiểm toán nhà nước, gói hỗ trợ này được kiểm toán kết luận rất hiệu quả; ngoài ra còn mang lợi ích kép khi các chuyên gia tính toán cần hỗ trợ khoảng vài nghìn tỉ đồng, có thể kích hoạt khoảng dư nợ lên hàng chục nghìn tỉ đồng.
Vậy tại sao trải qua 4 đợt dịch Covid-19, NHNN và Bộ Tài chính vẫn chưa triển khai chính sách này? Về phía NHNN, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, các NH đã có chính sách khoanh, giãn và cơ cấu nợ cho các DN. Ngoài ra, trong 3 đợt bùng phát dịch trước đó các NH cũng hỗ trợ 17.000 tỉ đồng, trong đợt dịch thứ 4 các NH tiếp tục cam kết hỗ trợ thêm 24.000 tỉ đồng.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp từ ngân sách, theo ông Tú, sở dĩ chưa triển khai vì dư nợ tín dụng nền kinh tế năm 2009 chỉ khoảng 3 triệu tỉ đồng, nay con số này đã lên tới hơn gấp 3 lần (gần 10 triệu tỉ đồng). Điều đó có thể hiểu, phía NHNN đánh giá quy mô tín dụng hiện nay quá lớn, trong khi ngân khố quốc gia đang “eo hẹp” khiến việc hỗ trợ nếu tung ra có thể chỉ như muối bỏ biển.
Thứ hai, gói hỗ trợ năm 2009 tương đối phức tạp bởi thủ tục giải ngân, quy trình cho vay và đặc biệt là vấn đề kiểm toán; đặc biệt có nhiều khoản đến nay vẫn chưa thể thanh quyết toán được.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi đề cập tới gói này chỉ nói ngắn gọn là đã bàn bạc rất kỹ. Phía NHNN đưa ra quan điểm gói hỗ trợ lãi suất đã có chính sách từ năm 2009, tức khi kích cầu thì đã triển khai nhưng không hiệu quả, và việc quản lý và thanh quyết toán rất khó nên NH đề nghị không triển khai.

Doanh nghiệp gặp khó từ bề bởi đại dịch Covid-19

CÔNG HÂN

Giảm lãi suất có thực chất?

Cần phải nói rằng, những chính sách hỗ trợ của Bộ Tài chính và NHNN vừa qua đã có tác động tích cực, giúp không ít DN có thêm dòng tiền để phục hồi. Tuy nhiên, liệu rằng các giải pháp đó đã đúng, trúng, đủ liều lượng và thực chất hay chưa vẫn còn rất nhiều tranh luận. Bởi NH cũng là DN, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và chịu áp lực rất lớn từ các cổ đông góp vốn. Việc đòi hỏi họ tự giác, ý thức để cắt giảm lợi nhuận lớn, hạ lãi suất cho DN không hề dễ dàng.
Vấn đề này đã được minh chứng khi lần đầu tiên trong lịch sử ngành NH, có DN từ chối nhận hạ lãi suất. Đó là trường hợp của một công ty xuất khẩu thủy sản tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Công ty này khó khăn từ bề với đại dịch đã viết đơn xin NH được giảm lãi suất nhưng nhiều lần bị từ chối. NH sau đó đã phản hồi đồng ý giảm 0,1%-0,2%/năm. “Mức giảm quá nhỏ, nhận cho mang tiếng nên tôi từ chối”, lãnh đạo công ty này viết tâm thư gửi NH và kèm theo lời nhắn ông biết lợi nhuận của các NH lúc đó đang ở đỉnh cao của lịch sử.
Quy luật kinh tế luôn như vậy, chúng ta không thể kỳ vọng vào việc DN này hay đối tác kia cắt vào da thịt hay “bán bớt máu” của mình đi để cứu DN khác. Tất nhiên, lãi suất đương nhiên có giảm nhưng mức giảm cũng cần phải nói thẳng còn rất khiêm tốn, chưa thấm vào đâu so với khó khăn của DN. Nó càng nghịch lý hơn khi DN làm ăn có lãi trả lãi suất vay rất cao cho các NH (chênh lệch thu từ lãi vay trừ đi huy động - NIM của các NH trong 2 năm dịch đã vọt lên mức 4 - 5%, cao nhất từ trước đến nay). Với dòng vốn tín dụng chiếm 70-80% tổng vốn toàn xã hội, các NH giảm lãi suất thực chất sẽ mang lại sức sống rất mạnh mẽ cho DN.
Trong bối cảnh hiện nay “một đồng cho DN cũng là đáng quý”, bởi khó nhất của DN ngoài đầu ra, thị trường hiện nay, chính là dòng tiền. Tiền bổ sung vốn lưu động ngắn hạn, tiền để vực dậy sản xuất, phục hồi kinh doanh. Chúng ta không cứu sớm thì sẽ có hàng trăm nghìn DN đóng cửa, phá sản. Khi đó, ai sẽ trả lãi để các NH có được mức lợi nhuận “khủng” như vừa qua.

Gói hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách sẽ kích hoạt được 100.000 tỉ đồng dư nợ cho doanh nghiệp

NGỌC THẮNG

Sợ khó, sợ trách nhiệm thì doanh nghiệp còn thoi thóp

Một vấn đề nhiều người lo ngại là ngân sách lấy đâu ra tiền để hỗ trợ thì mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định NSNN không bao giờ cạn kiệt. Theo ông Phớc, thu ngân sách năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn là 1,343 triệu tỉ đồng, đến nay đã thu đạt 77% dự toán và ngành tài chính phấn đấu đạt 100%, đồng thời vẫn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.
Điều đáng bàn ở đây không phải ngân sách thiếu tiền mà việc hỗ trợ lãi suất mang lại tác động kép rất lớn. Trao đổi với Thanh Niên, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết gói hỗ trợ này bản chất là dùng NSNN thông qua các NH. Tức NH cho vay ra lãi suất khoảng 7-8%/năm, Chính phủ dùng ngân sách hỗ trợ một phần lãi suất (ví dụ 4%/năm) để lãi vay giảm xuống còn 3-4%/năm. Theo tính toán, nếu ngân sách nhà nước bỏ ra số tiền 2.400 - 4.000 tỉ đồng với lãi suất hỗ trợ 4%/năm thì sẽ tương đương với mức dư nợ cho vay từ 60.000 - 100.000 tỉ đồng.
“Đứng trên giác độ của các chuyên gia độc lập, tôi cho rằng có thể làm gói hỗ trợ này, song phải có một số điều kiện rất cụ thể. Một là, tiền hỗ trợ từ ngân sách phải xác định rõ lấy từ đâu. Hai là, chỉ hỗ trợ tối đa 1 năm vì ngân sách cũng có hạn và nó cũng phù hợp với dự báo đại dịch Covid-19 có thể kiểm soát trong năm nay và Việt Nam có thể đạt tiêm chủng 70% hết quý 1 năm 2022. Ba là, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 2009, hỗ trợ phải có trọng tâm, nhắm tới 1 số đối tượng, địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Gói năm 2009 chúng ta làm đại trà, gia hạn 2 lần… các NH sau đó rất băn khoăn bởi việc kiểm tra, kiểm toán vô cùng phức tạp. Đến bây giờ vẫn có những khoản vẫn chưa quyết toán xong”, TS Lực đánh giá.
Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm NH chia sẻ, ông hiểu được sự e dè của phía NHNN. Ở đây là câu chuyện dùng tiền ngân sách để hỗ trợ sẽ liên quan đến rất nhiều quy trình, thủ tục phức tạp thì lại “sinh” thêm nhiều việc. Đặc biệt, nếu hỗ trợ có sai sót lại “dính” tới trách nhiệm, mất chức, thậm chí còn cả hình sự.
“Lúc này mới cần giải pháp đột phá, sáng tạo và cần những lãnh đạo dám làm, không sợ khó, không sợ trách nhiệm. Còn muốn an nhàn chỉ trông chờ vào việc kêu gọi giảm lãi suất, kêu gọi hỗ trợ bằng miệng thì DN sẽ còn thoi thóp”, vị chuyên gia này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.