(Tin Nóng) Thói quen sử dụng tai nghe cá nhân không an toàn đang đẩy hơn 1 tỉ thanh thiếu niên trên toàn cầu đến nguy cơ mất đi thính giác vĩnh viễn, theo cảnh báo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
|
Dữ liệu do WHO phân tích cho thấy gần phân nửa dân số tại các nước phát triển, tuổi từ 12 đến 35, đang trở thành nạn nhân các thiết bị âm thanh được vặn ở mức gây hại, trong khi 40% có nguy cơ tổn thất thính giác tại các điểm giải trí.
“Ngày càng có nhiều thanh niên đang đẩy bản thân đến bờ vực mất đi thính giác”, theo Reuters dẫn cảnh báo của tiến sĩ Etienne Krug, giám đốc Bộ phận Quản lý các bệnh dịch không lây lan, Ngăn chặn Khuyết tật, Bạo hành và Chấn thương thuộc WHO.
Nguy cơ mất thính giác có liên quan đến cả âm lượng lẫn độ dài và tần số bị âm thanh tấn công. Trong khi âm lượng ở mức 85 dB có thể an toàn để nghe trong 8 giờ/ngày, một thiết bị âm thanh có âm lượng tối đa 105 dB chỉ nên nghe trong 4 phút nếu không muốn bị điếc.
Một buổi trình diễn nhạc rock ở mức 120 dB nên ngừng nghe sau 28 giây, trong khi kèn vuvuzela của Nam Phi, trở nên khét tiếng thế giới kể từ World Cup 2010, có thể thổi bay thính giác sau 9 giây.
“Một khi tai yếu đi, thính giác của bạn sẽ không bao giờ trở lại”, theo tiến sĩ Krug.
Theo WHO, các cá nhân có thể bảo vệ khả năng nghe của mình bằng cách vặn nhỏ âm thanh trên các thiết bị chơi nhạc, và sử dụng tai nghe loại bỏ tạp âm, đúng cỡ.
Báo cáo trên được công bố trước ngày Chăm sóc Tai Thế giới vào 3.3.
Sau đây là ngưỡng an toàn tối đa cho các mức âm thanh:85 dB (tương đương âm thanh phát ra khi ngồi trong ô tô) - 8 giờ 90 dB (máy cắt cỏ) - 2 giờ rưỡi 95 dB (xe máy) - 47 phút 100 dB (còi xe hoặc tàu điện ngầm) - 15 phút 105 dB (máy phát nhạc ở âm lượng tối đa) - 4 phút 115 dB (buổi trình diễn nhạc rock) - 28 giây 120 dB (kèn vuvuzela) - 9 giây |
Phi Yến
>> Ăn cá, tai nghe tốt
>> Apple được cấp bằng sáng chế tai nghe thông minh
>> Thận trọng với bệnh điếc nghề nghiệp
Bình luận (0)