Tuy nhiên, chính vì hậu quả của việc sử dụng điện không kiểm soát quá "sâu xa", không trực tiếp xảy đến với người tiêu dùng nên họ vẫn thờ ơ về việc này. Điềm nhiên cho rằng đó là thứ không quan trọng hoặc việc của người khác, cứ để Chính phủ và những nhà môi trường lo liệu.
Người tiêu dùng còn cơm áo gạo tiền, gia đình con cái để lo lắng, ai rảnh hơi đâu mà bảo vệ thứ to tát mang tên "môi trường"?
Thế rồi kết quả là gì khi hàng trăm triệu người trên thế giới có chung cái suy nghĩ lệch lạc đó? Năng lượng bị tiêu thụ quá nhiều, cái chất thải trong quá trình sản xuất ngày một gia tăng, khí hậu bị biến đổi dưới sức ép của hiện tượng nhà kính và nóng lên toàn cầu.
Băng tan khiến nước biển dâng, gây ra ngập lụt và sạt lở ở những vùng ven biển, dân thành thị đâu phải ai cũng theo dõi tin tức mỗi ngày để biết được, thế rồi nó trở thành "chuyện của riêng vùng ven biển" mà thôi.
Khí thải ồ ạt lấp đầy bầu khí quyển. Ừ thì bụi đó, nhưng đeo khẩu trang là được. Hít hoài riết cũng quen nên rồi đành mặc kệ, thân ai nấy lo. Bởi nó đâu quá nghiêm trọng đối với họ? Những hộ dân nào ở gần khu công nghiệp sản xuất năng lượng thì chịu ảnh hưởng nặng nề, còn ai sống trong thành phố hay nông thôn thì cùng lắm chỉ biết đến thứ khói xe hơi ngạt mũi. Kể cả khi thứ khí độc hại kia đó hòa vào khí quyển rồi chui vào phổi họ, họ cũng chẳng thể nào biết được mà cho rằng đó chỉ là chút bụi mà thôi.
Tiếp đến phải kể những gia đình dư dả, "khi có tiền thì người ta có quyền". Mình kiếm được nhiều mà, sao không tiêu xài thoải mái cho bản thân cơ chứ? Điều hòa, máy quạt, bóng đèn, tivi,… hàng chục món đồ điện gia dụng chạy suốt ngày suốt đêm không ngừng nghỉ, giữ cho căn phòng lúc nào cũng trong trạng thái "mát mẻ, thoải mái" nhất.
Đôi lúc có khi quên không tắt, nhưng con sên lười nhác trong đầu lại ngọ nguậy khiến ta thầm nghĩ "À, để một chút rồi tắt cũng không sao", sau đó đi làm việc khác suốt hàng tiếng đồng hồ rồi quên luôn.
Con người chỉ có thể rút ra bài học từ đắng cay và thất bại. Những thứ không trực tiếp ảnh hưởng đến họ, không thấy hoặc quá ít để bận tâm sẽ đều bị cho ra rìa ở cái góc xó xỉnh nào đó trong ý thức. Chính vì thế dù mỗi ngày có chạy xe ngoài đường thấy hàng chục cái băng rôn hay quảng cáo tuyên truyền về "tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường" nhiều khi trong một số ít chúng ta vẫn còn thờ ơ.
Buồn cười đến mức phát khóc và hổ thẹn về ý thức của những người như thế. Chẳng biết nên gọi là "đáng thương" hay "đáng trách" đây nữa? Xã hội loài người rồi sẽ có ngày bị hủy hoại chính bởi sự vô tâm của từng cá nhân như thế.
Vậy giờ thì: Làm sao để tiết kiệm điện năng? Làm sao để bảo vệ môi trường?
Nào, bây giờ đã là thế kỉ 21 rồi, chúng ta biết vô số công nghệ và cách thức để giảm thiểu khối lượng điện sử dụng. Một ví dụ nhỏ đó chính là dùng đèn LED thay thế cho các loại đèn huỳnh quang hay bóng đèn dây tóc. Độ sáng vừa đủ, nhỏ gọn mà tiêu thụ điện năng ít hơn hẳn. Hoặc cách đơn giản khác là tắt khi không sử dụng và tận dụng ánh sáng tự nhiên từ mặt trời.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mọi người, của từng cá nhân khi tiêu thụ điện năng. Hãy cố gắng hình thành thói quen tiết kiệm, không chỉ điện mà cả những loại năng lượng, nhiên liệu khác. Để rồi cuối cùng bạn muốn chọn tương lai nào: Một thiên đường xanh, sạch, đẹp hay một bãi rác mang tên quả địa cầu?
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen do Báo Thanh Niên tổ chức là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)