Tai nạn giao thông (TNGT) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trong các tai nạn, nhưng người lớn vẫn thờ ơ trong việc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em. Ngay ở Hà Nội, tỉ lệ đội MBH cho trẻ em chỉ đạt 16,2%.
Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo tổng kết hoạt động về đội MBH cho trẻ em năm 2011 - được tổ chức ngày 12.12 tại Hà Nội.
Trẻ em: Nhóm dễ bị tổn thương
Bộ GTVT dẫn số liệu theo kết quả khảo sát của Pervin và cộng sự về tỉ lệ đội MBH cho trẻ em ở 3 TP lớn: Hà Nội đạt 16,2%; TPHCM đạt 44,8% và Đà Nẵng là 47,5%. Ông Lê Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, đây là hành vi vi phạm vẫn chưa được xử lý nghiêm khắc.
|
Theo khảo sát của ĐH Quốc gia Hà Nội về tình hình sử dụng MBH cho trẻ em năm 2011, cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến việc trẻ em đội MBH, nhưng đại đa số các bậc phụ huynh lại không biết tuổi chính xác trẻ em phải đội MBH quy định tại NĐ34. Khảo sát được tiến hành ở 9 trường học và 6 điểm nút giao thông tại Hà
Nội, TPHCM, Đà Nẵng cho thấy tỉ lệ trẻ em đội MBH chỉ đạt 34,1%. Theo thống kê của Uỷ ban ATGT quốc gia, giai đoạn 2005 – 2010 trung bình 12.000 – 14.000 người chết/năm và trên 20.000 người bị thương do TNGT, trong đó TNGT ở trẻ em chiếm khoảng 35%.
Bà Lotta Sylwander - Trưởng Đại diện UNICEF tại VN - tỏ ra ngạc nhiên khi thấy hầu hết người lớn đã đội MBH khi đi xe máy, nhưng trẻ em đội MBH khi đi cùng cha mẹ trên xe gắn máy ngày càng ít đi. Bà Sylwander tỏ ý lo ngại: “Trẻ em được coi là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông. Năm 2009 gần 1.900 trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi đã tử vong do chấn thương TNGT. Thảm kịch đằng sau
con số này không bao giờ được bỏ qua”. Theo Bộ LĐTBXH, năm 2010 nguyên nhân tử vong trẻ em từ 0 – 19 tuổi do TNGT thậm chí đã vượt trên cả chết đuối nước với 2.612 nạn nhân. Có thể nói nguyên nhân chính đến từ nhận thức, sự thờ ơ và bất cẩn của các bậc phụ huynh.
Cần “giáo dục ngược”
Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng: “Hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và điều kiện để thực hiện việc đội MBH cho trẻ em. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của người lớn, của cơ quan quản lý và ý thức người tham gia giao thông trong việc thực hiện các quy định này”. Theo bà Lotta Sylwander, nâng cao nhận thức và cưỡng chế thi hành pháp luật là hai yếu tố quan trọng để tăng cường việc đội MBH cho trẻ em.
Cục CSGT đường bộ - đường sắt đánh giá, tại nhiều địa phương việc thực hiện đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy có phần lơi lỏng; nhất là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và ở khu vực ngoại thành các đô thị. Ông Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt khẳng định: “Trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm không đội MBH”.
Một trong các biện pháp đem lại hiệu quả trong việc tuyên truyền đội MBH cho trẻ em thời gian qua là: Trẻ em “giáo dục ngược” cho người lớn. Nhiều trường tiểu học tại Hà Nội, TPHCM đã tuyên truyền đến các em học sinh để các em có ý thức về tầm quan trọng của việc đội MBH. Từ đó, các em sẽ tác động ngược đến tâm lý các bậc phụ huynh. Hiện Quỹ Phòng, chống thương vong Châu Á cũng đang triển khai chiến dịch “Trẻ em cũng cần đội MBH” trong 3 năm nhằm làm cho việc đội MBH ở trẻ em trở thành thói quen chung.
Theo Lao Động
Bình luận (0)